Thứ Năm, tháng 10 22, 2009

Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử

(Thời Văn số 7 – tháng 8.1995)
• Trần Hà Nam
Trong những bài thơ của mình, Hàn Mặc Tử đã có lần tự phát hiện:
Té ra ta vốn làm thi sĩ
Khát khao trăng gió mà không hay
Ta đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng nhảy
Trên sóng cành, sóng lá, cô gì má đỏ hây hây
   (Ngủ với trăng)
Có thể nói không ngoa: Hàn Mặc tử đã tạo lập được không gian thơ cho riêng mình. “Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử…” (Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân). Dường như gió bụi cuộc đời đã không thâm nhập được vào vùng “thượngthanh khí” đó. Dường như trong đó, mọi cảm xúc được thăng hoa đến tột đỉnh. Nhưng cũng trong cái mê hoặc huyền ảo vô cùng ấy, người đọc còn cảm nhận được những âm thanh rất đời thường, chỉ có điều âm thanh ấy không hề bị pha tạp vẩn đục bởi muội khói của lửa dục vọng thấp hèn:
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
   (Mùa Xuân chín)
Những câu thơ trên đem lại cái thú cho người đọc như được lắng nghe âm điệu dặt dìu của tiếng sáo diều đồng quê, pha một chút gợi tình của câu chuyện Tiêu Sử – Lộng Ngọc cưỡi hạc thổi tiêu. Chất ngọt ngào quyến rũ của âm thanh từ lưng trời đổ xuống mang một “ý vị” riêng, làm máu chực trào ra ngoài huyết quản, hồn bật ra ngoài thể xác, trở về với vẻ trinh bạch hoang sơ ban đầu. Trời, đất, trăng, sao ấy có một sức sống riêng mãnh liệt:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!
   (Bẽn lẽn)
Sức gợi của không gian thơ Hàn Mặc Tử rất lớn. So với thiên nhiên phồn thực kia, những cảm xúc của con người mới nhỏ bé tội nghiệp làm sao! Không, đúng hơn là anh hoa của con người đã phát tiết, có độ cảm được trời đất. Tả một thôn nữ ngóng chồng, Hàn Mặc Tử đã táo tợn hơn thi sĩ đời Đường lắm lắm! Thơ Đường chỉ nói: “Yên thảo như bích ty – Tần tang đê lục chi – Đương quân hoài qui nhật – Thị thiếp đoạn trường thì – Xuân phong bất tương thức – Hà sự nhập la vi” (1) (Xuân Tứ – Lí Bạch). Ý hai câu thơ cuối của bài thơ này đã được Hàn Mặc Tử  điểm xuyết vào những nét sinh động: vẫn trăng, vẫn hoa, vẫn gió nhưng đã được thi nhân thổi vào luồng hơi đam mê rạo rực.
Choáng ngợp trong không gian thơ của Hàn Mặc Tử là ánh sáng. Lúc nhiệm mầu huyền ảo, lúc sáng láng thơm tho, lúc tưng bừng rộn rã. Ánh sáng ấy có đủ các “gam” màu nóng, lạnh, ấm, mát, hội tụ đủ tinh khí của đất trời và anh hoa cảm xúc của con người. Hãy xem trăng:
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ
  (Đà Lạt trăng mờ)
Trăng bay lả tả ngả trên cành vàng
  (Rượt trăng)
Và nắng:
Mây hờ không phủ đồi cao nữa
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi
Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu
Sau rào khẽ liếm cặp môi tươi…
  (Nắng tươi)
Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợp trời!
  (Xuân đầu tiên)
Tắm mình trong không gian ánh sáng ấy, bản thân Hàn Mặc Tử cũng đã ngấm cái ngất ngây khoái lạc đến độ điên cuồng:
Tôi chết giả và no nê vô hạn
Cười như điên sặc sụa cả mùi trăng
  (Hồn là ai)
Ánh sáng đó đã không còn là của đất trời này, nó đã thuộc về miền-siêu-nhiên ban chứa những phép màu gột rửa mọi niềm đau. Hàn Mặc Tử trong giờ phút quằn quại thống khổ cả tâm hồn lẫn thể xác, cũng đã hướng về cõi vô biên mà khấn nguyện:
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chấp tay tôi lạy cả miền không gian
  (Một miệng trăng)
Con người khi bị lâm vào cảnh tách biệt thế giới thường cố tự tìm một lối thoát, níu lấy một sợi dây mong manh giao cảm với đời. Hàn Mặc tử không chỉ đóng vai trò tìm kiếm mà còn tự tạo lập cho mình được cả một thế giới. Đôi lúc ta thoáng rùng mình kinh dị vì gặp trong đó những hồn, những ảo ảnh rên siết, những chuỗi cười tiếng rú vang động xôn xao trong những hàng thơ. Đó là những khi nhà thơ bị giam hãm trong nỗi tuyệt vọng của bệnh tật. Người đọc dễ bị lây lan cảm xúc của Hàn Mặc Tử. Song cũng giống như khi người ta đứng trước một đại dương đang cuồng nộ, khi bão tố qua rồi, cơn sợ hãi không còn thì người ta lại có thể đứng lặng hàng giờ chiêm ngưỡng cái hùng vĩ thẳm sâu của biển cả, nghe những nhịp yêu thương mát dịu tâm hồn. Ta cũng có thể ví những vần thơ của Hàn Mặc Tử như vậy, dù “máu cuồng và hồn điên” có réo gào dữ dội thì đằng sau vẫn đầy ngát “hương thơm” của một nguồn thơ thanh sạch vốn khát yêu thương:
Ta cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát
Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương
   (Nguồn thơm)
“Dòng thơ rất mát” ấy phải chăng chỉ đến “Xuân như ý” mới bắt đầu? Cái chất men làm nên tình của Hàn Mặc Tử thực ra đã khởi sắc từ tập “Gái quê”. Hàn Mặc Tử làm thơ bằng một hồn say: “Tôi say tình cũng như tôi say trăng, say người thục nữ, say kinh cầu nguyện, say trời tương tư…” (Tình – thơ văn xuôi). Nguồn cảm hứng ấy khác hơn, lạ hơn so với nhiều thi sĩ cùng thời. Huy Cận gom trời đất trong nỗi sầu, chàng lãng tử Nguyễn Bính có cả “Vạn lí  tương tư, vũ trụ tình”, cái tình lấn át cái cảnh. Còn Hàn Mặc Tử là cả một vùng ánh sáng chói loà, con người lặn ngụp trong vùng sáng lạ lùng đó, thành ra “người trăng ăn vận toàn trăng cả”, “tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”, sức giao cảm giữa lòng người và trời đất đã đạt đến độ hoà nhập tuyệt đối:
Lãng tử ơi! Mi là tên hành khất
May không chết lạnh trước lầu mĩ nhân
Ta đi tìm mộng tầm xuân
Gặp ma nhà Nguyễn bay trên mây
Rượu nắng uống vào thì say
Aùo ta rách rưới trời không vá
Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng
   (Lang thang)
Đọc những dòng thơ trên, có thể chúng ta ngơ ngác vì không hiểu thi nhân định nói gì. Nhưng hãy nhập hồn vào cảm giác sẽ gặp được cái tình rất thật: khát khao về một niềm hạnh phúc. Đất trời thì vẫn đấy, trăng sao là chốn bất diệt, người ao ước được yêu thương, đến khi buồn đau thì cũng chỉ có trăng sao trời đất làm nguồn an ủi. Lệ đã khô theo mối sầu vạn cổ nhưng tình vẫn đẹp trong một cõi chiêm bao, trở thành niềm ước ao:
Tôi ước ao là tôi ước ao
Tình tôi vô lượng sẽ dâng cao
Như bông trăng nở, bông trăng nở
Những cánh bông thơ trắng ngạt ngào
   (Ước ao)
Chỉ có trăng sao là bất diệt – Cái gì khác nữa thảy đi qua”, Hàn Mặc Tử đã viết như vậy. Cả một trời thơ nguyên vẹn trắng tinh khôi ấy đang lặng lẽ toả hương, cho mỗi người chúng ta được hái về ấp ủ một vài bông thơ thấm đẫm tinh hoa của một Người – Thơ tài hoa mệnh bạc.
         Qui Nhơn 12.1991 – 3.1995
     Đánh lại vi tính ngày 4.5.2007
              T.H.N
.---------------------------
(1) Bản dịch của Khương Hữu Dụng: “Cỏ Yên xanh như tơ – Dâu Tần biếc rợp bờ – Khi anh lòng quê dậy – Là em khúc ruột vò – Gió xuân chẳng quen biết – Lọt màn chi ỡm ờ?”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét