Thứ Năm, tháng 5 24, 2012

Hội thảo về thân thế và sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu

Ngày 23.5.2012 tại Quy Nhơn đã diễn ra hội thảo về thân thế và sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu (1822 - 1880), thầy dạy của hậu tổ tuồng Đào Tấn (1845 - 1907). 
Nguyễn Diêu còn gọi là cụ Tú Nhơn Ân, hiệu Quỳnh Phủ, người làng Nhơn Ân, Phước Thuận, Tuy Phước. Ông là soạn giả của các vở tuồng nổi tiếng như Ngũ hổ bình Tây, Tiết Giao đoạt ngọc, Liệu đố (Chữa bệnh ghen).

Hội thảo đã thống nhất cao trong đánh giá tài năng nghệ thuật của bậc thầy nghệ thuật hát bội. Nhiều tham luận đã chỉ rõ giá trị và sức hấp dẫn của tuồng thơ Nguyễn Diêu. Chính sự linh hoạt và phong phú trong giọng điệu tuồng thơ của người thầy vĩ đại này đã tiếp thêm cảm hứng cho Đào Tấn đưa Tuồng hát bội lên đỉnh cao rực rỡ sau này.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đánh giá Nguyễn Diêu như một ngọn Tháp Đôi vốn đẹp đẽ nhưng lâu nay bị khuất lấp, bây giờ hiện ra lộng lẫy choáng ngợp. Tham luận của ông cũng chỉ ra nét đặc sắc trong thơ Nguyễn Diêu gắn bó với vùng văn hóa Bình Định. Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Thanh Thảo khai thác vào đạo làm người, chất thơ của tuồng Nguyễn Diêu. 
Các nhà nghiên cứu Việt kiều như GSTS Thái Kim Lan, GSTS Nguyễn Thuyết Phong đã nói lên những cảm nhận mới mẻ và sức cuốn hút của tuồng Nguyễn Diêu. Đồng thời ý kiến nên vận dụng phương pháp điền dã để thu thập tư liệu, nghiên cứu sống động và sâu sắc hơn tuồng trong đời sống của đương đại rất đáng chú ý. 
Các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải đã khai thác sâu vào nội dung giá trị nhân văn và tính hiện đại trong tuồng Nguyễn Diêu. 
Xúc động và đồng cảm với Nguyệt Cô hóa cáo (tức Tiết Giao đoạt ngọc hay Võ Tam Tư trảm hồ) là tham luận của NSND Đàm Liên, nhà thơ nhà nghiên cứu sân khấu Hoàng Kim Dung, chỉ ra thần thái nhân vật và sức chinh phục của hình tượng bi kịch này. Các nhà viết kịch, đạo diễn chú trọng kết cấu và cách tạo dựng tính cách trong Ngũ hổ bình Tây, nét mới mẻ và độc đáo trong Liệu đố. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa đặt lại vấn đề liệu Đào Tấn có sửa tuồng Nguyễn Diêu như giai thoại truyền tụng hay không và đề nghị gạt bỏ giai thoại mang tính hoang đường này! 
Bên cạnh các cây bút trung ương, tham luận của các tác giả địa phương cũng tạo được chú ý vì độ phong phú sinh động trong minh họa cũng như nghiên cứu sâu vào ảnh hưởng của tuồng Nguyễn Diêu với văn hóa làng xã địa phương: Nguyễn An Pha, chủ tịch Hội VHNT Bình Định đã vừa đọc tham luận vừa minh họa bằng những làn điệu tuồng Bả Trạo của Nguyễn Diêu, Trần Hà Nam trong tham luận cuối cùng tại hội thảo đã khái quát về sự khúc xạ các quan niệm phong kiến và những nét nổi bật trong các vở tuồng Nguyễn Diêu, bằng tất cả sự tâm đắc trước tư tưởng và tài năng của tác giả. Tiếc là thời gian quá ngắn nên còn 5 tham luận chưa được trình bày.

Hội thảo đã cuốn hút từ đầu đến cuối, và tiếp tục được bàn luận rôm rả trong tiệc liên hoan, từ phó chủ tịch tỉnh Mai Thanh Thắng cho đến những người yêu tuồng quê hương Nguyễn Diêu đều mong muốn sớm có những nghiên cứu sâu hơn về Nguyễn Diêu và tôn vinh ông xứng đáng tầm cỡ một danh nhân văn hóa địa phương. Đại diện UBND xã Phước Thuận, cháu nội 5 đời của cụ tú Nhơn Ân cũng có mặt, tuy nhiên có một sơ sót nhỏ là thiếu đại diện trường THPT Nguyễn Diêu tại hội thảo. mong rằng những nội dung hội thảo được chuyển đến địa phương làm cơ sở cho việc vinh danh và tôn tạo di tích tưởng niệm Nguyễn Diêu.
Trần Hà Nam tom lược

Thứ Hai, tháng 5 14, 2012

NGÀY CỦA MẸ - NGHĨ VỀ "ĐÊM ĐẠI DƯƠNG" (V.HUGO)


"Ôi biết bao thuyền viên, thuyền trưởng
Buổi ra đi, vui sướng đường xa
Cuối chan trời u ám đã thành ma
Đã biến mất, đớn đau số phận
Đêm không trăng, giữa biển không cùng
Chôn vùi thân dưới sống muôn trùng..."
Mẹ ơi, không phải tự dưng con nhớ những câu thơ này đâu! con nhớ những lời của thầy con, người đã từng nói về ý nghĩa sâu sắc và nhân văn của bài thơ. Con vẫn còn chưa dứt khỏi bao nhiêu đau đớn day dứt về sự ra đi của thầy, người thuyền trưởng tài hoa đã lái con tàu văn chương đưa bao nhiêu thế hệ học trò đến bến bờ tri thức.
Đêm đại dương của Victor Hugo - đại văn hào Pháp là bài thơ để lại nhiều ám ảnh trong con về quy luật của sự lãng quên! Những đau thương quặn thắt rồi cũng sẽ qua đi, đến một ngày:
"Cả gốc liễu mùa thu trút lá
Và cả người hành khất bên cầu
Hát điệu buồn ai nhớ anh đâu..."
Ngày mai là 13 tháng 5, Ngày của Mẹ mà chúng con vắng Mẹ. Tháng 5 là tháng nhiều kỉ niệm nhất với chúng con, là tháng anh em con chào đời, đem niềm vui và những nhọc nhằn cho suốt quãng đời tiếp theo của mẹ. Chúng con khôn lớn, trưởng thành trong tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Chỉ có trước mẹ chúng con luôn cảm thấy mình vẫn như đứa trẻ lớn xác, vẫn cứ vô tư đùa giỡn như những đứa trẻ. Ngày mẹ đau, có khi ép mẹ ăn như dỗ trẻ con, mà có biết đâu chính chúng con mới thật trẻ con không hiểu nổi mẹ đã phải gắng sức như thế nào để chống chọi lại bệnh tật để chứng kiến con cháu trưởng thành.
Ngày giỗ Mẹ năm nay, chị vào. Đã hơn 60 tuổi rồi mà trước mộ mẹ, chị vẫn hồn nhiên như hồi xưa, vẫn tính tồ tồ hay bị mẹ mắng! Chúng con là những đứa trẻ đầu bạc, mẹ nhỉ? Vậy mà cứ hát "lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào...". Có lẽ chính câu hát này khiến con chợt liên tưởng về "Đêm Đại Dương" mỗi khi nghĩ về sự còn - mất, những đau đớn tiếc thương rồi sẽ qua đi, một ngày sẽ cảm thấy trong âm vang sóng biển lời vỗ về an ủi cho con vượt lên bao khó khăn trắc trở, khi một mình đối mặt với đời. Biển giữ lại tất cả những kỉ niệm. Lòng mẹ bất tử như biển cả, vẫn đêm ngày hiện hữu bên chúng con. Con chợt ngộ thêm một điều từ bài thơ mà thầy con hằng tâm đắc: khi ta sống trong yêu thương, lòng ta cũng như muốn hòa cùng đất trời cao rộng, để theo nhịp sóng ru mãi khúc thương yêu đến muôn đời. Chết là một sự hóa thân, tan hòa vào sóng, là hiện hữu của quá khứ vào hiện tại. Và nối tiếp cho những nhịp sóng khác, vĩnh viễn, tiếp nối đến tương lai. Bây giờ, con mới ngộ thêm vì so người ta thường ví là "trời nhân, biển ái"!
Vậy nên con phải biết sống yêu thương nhiều hơn nữa, phải không mẹ?
Thầy truyền cho con bài học, mẹ là hiện hữu của bài học đó!
Và con hiểu, những người yêu thương sẽ không bao giờ mất đi! "Thác là thể phách, còn là tinh anh!". Người còn lại giữa thế gian phải truyền cái tinh anh ấy đến nhiều người, đến thế hệ sau, và như thế, sẽ lưu giữ mãi bóng hình yêu thương vĩnh viễn.
Con thấu đạt chân lý này, cũng có nghĩa những người con yêu thương kính trọng như Mẹ, như Thầy vẫn chưa bao giờ rời xa, vẫn giúp con càng lúc càng trưởng thành, xứng đáng với tình yêu thương như biển mênh mông gửi lại với đời này, để biết "Yêu thương là Sức mạnh!" (V.Hugo).
CON VỪA NGẪM TỪ BÀI THƠ THẦY GIẢNG
CHỮ THƯƠNG YÊU ĐƠN GIẢN ĐẾN VÔ CÙNG
NHƯ BIỂN CẢ VẪN NGÀY ĐÊM VỖ SÓNG
VƯỢT LÃNG QUÊN BẰNG SỨC MẠNH BAO DUNG

CON CHỢT HIỂU MẸ NGÀY NGÀY LẶNG LẼ
CỨ BÊN CON DÙ CON CỨ VÔ TÌNH
CON LẠI HÁT KHÚC CA VỀ LÒNG MẸ
NHƯ BIỂN MÊNH MÔNG, NHƯ BIỂN THÁI BÌNH...

KHI THẤU NGHĨA YÊU THƯƠNG, NÊN GÌN GIỮ
YÊU THƯƠNG LÀM ĐAU KHỔ SẼ PHÔI PHAI
YÊU THƯƠNG GIỮ NGƯỜI THÂN YÊU CÒN MÃI
MẶC THỜI GIAN TẤT CẢ DẪU TÀN PHAI...
13.5.2012
NGÀY CỦA MẸ
T.H.N