Thứ Năm, tháng 10 22, 2009

Bình thơ : Những giọt lệ

NHỮNG GIỌT LỆ
                            Hàn Mặc Tử
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Để khối lòng tôi cứng tợ si?

Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã , mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?



    Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống
                            HÀN MẶC TỬ

    Những giọt lệ thơ đã bắt đầu bằng những lời tự vấn lòng mình trong nỗi ám ảnh của sự sống bị hủy diệt. Một lời van, một nỗi hờn, một cảm giác đớn đau vì thất tình đã hòa tan vầng mặt trời trong máu. “Bao giờ… bao giờ… bao giờ?”, tất cả những lời ấy như một cơn lốc xoáy cuộn tâm hồn vào chốn hư vô băng cứng. Đàng sau mong mỏi được chết là khát vọng sống riết róng; đàng sau lời chối bỏ tình yêu là trái tim ngộp thở vì yêu, đàng sau sự đóng băng xúc cảm là nỗi lòng đang tổn thương, lột xác trở về vẹn nguyên hình hài ban sơ yếu ớt run rẩy vì tuyệt vọng. Cảm giác ấy chỉ có thể và phải là Hàn Mặc Tử diễn đạt thì mới thực. Bởi nó được viết ra giữa lúc thống khổ dâng tràn.
    Ở đâu, cội nguồn của những tổn thương dày vò ấy? Là hoàn cảnh “họ đã xa rồi” ư? Nhân gian bao lần nhỏ lệ biệt ly! Hay là do “khôn níu lại”? Cũng chẳng có gì mới mẻ những nuối tiếc về một điều quí giá đã mất đi. Sự lý giải nằm ngay trong ẩn số của tâm hồn :
Lòng thương chưa đã , mến chưa bưa
    Đó là khát vọng mãnh liệt nhất đã tan thành mây khói, lững lờ trong những chữ “chưa” đau đáu khát khao. Nếu dùng chữ “không” để tăng thêm cảm giác tuyệt vọng thì thực chất bài thơ sẽ bị hỏng hoàn toàn. Có lẽ Hàn Mặc Tử cũng chẳng phải đắn đo những chữ “không” – “chưa” như một thi sĩ mới học nghề muốn cường điệu hóa cảm xúc. Bởi trong giờ phút ấy, chỉ có tấm lòng thành thực nhất mới tự nhiên kết thành chữ “chưa” đầy nước mắt, ám ảnh của những hạnh phúc đã trải qua và nỗi bất hạnh thực tại. Thời gian ngưng đọng trong khoảnh khắc để nhà thơ ý thức rất rõ khoảng trống chân không vô trọng lực của lòng mình. Tất cả quay cuồng, đảo lộn, là cảm nhận :
Tôi điên tôi nói như người dại
Van lạy không gian xóa những ngày
Là sự hòa trộn:
Xin dâng này máu đang tươi
Này đây tiếng khóc giọng cười chen nhau
Là nửa mê, nửa tỉnh, nửa chết nửa tồn tại :
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
Trong tiếng lòng của thi nhân, ta nghe một nỗi niềm thiết tha cùng cuộc sống, với con người. Tình Yêu ấy đâu chỉ là tình cảm lứa đôi mà còn là tình yêu lớn thi nhân dành cho đời. Vậy nên, trong giờ phút biệt ly thống khổ, nhà thơ đã bộc lộ niềm đau dâng lên đỉnh điểm.
    Khổ thơ cuối là sự diễn tả chi tiết của trạng thái thất tình, từ nhận thức đến vô thức, trong cái nhìn chập chờn ảo ảnh. Sẽ chẳng có gì đáng nói ở khổ thơ này ngoại trừ những dẫn chứng tuyệt đối chính xác cho một bác sĩ tâm thần học, nếu như không có “những giọt châu” khép lại bài thơ. Đó là phẩm chất của “những giọt lệ” tình. Để gọi về một Tình Yêu sống trọn với một “lòng thương” đang nức nở.
                                                        TRẦN HÀ NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét