Thứ Năm, tháng 12 31, 2009

Bỗng dưng mà buồn...

Ngày cuối cùng năm cũ, bỗng dưng mà buồn!
Vợ và con trai nhỏ đã về ngoại chơi, thằng lớn thì đi chơi với bạn. Lâu lắm rồi mới lại có cảm giác một mình!
Ngẫm...
Đáng buồn là khi sang năm mới, cây mai tứ quí mọi khi vẫn sum suê chẳng hiểu sao lại ngả lá vàng úa một loạt! Điềm không hay cho lớp Chuyên Văn chăng? Vì mấy năm nay dường như chưa bao giờ cây mai này báo sai kết quả học sinh giỏi, thành tích học tập của học trò? Mỗi khi có chuyện vui, hoa lại nở, bây giờ cây héo, vì đâu?
Bỗng dưng mà buồn vì tình cảm học trò ở lớp ghép Văn - Anh dành cho thầy giáo chẳng có chút gì giống với bất cứ lớp nào mình đã từng chủ nhiệm. Ngay cả những lớp mình chỉ chủ nhiệm hơn nửa năm cũng không có tình trạng đóng băng quan hệ thầy trò như thế! Các em còn nhỏ quá chăng? Hay cách nghĩ, cách sống của trò bây giờ cũng khác? Và mình cũng đã già! Sự khác biệt thế hệ, người già hơn cũng khó chịu hơn, cũng ít có thời gian chăm chút đều cho đám nhỏ hơn...
Đành vậy!
Ngày cuối năm, bỗng dưng mà buồn! ? "Ngồi một mình mãi thế này có lẽ buồn đến khóc được mất...", hơ hơ, đúng là tâm trạng Chí Phèo rồi! Thế thì đi chơi thôi! Thế giới online này cũng mỏi mệt lắm!

Thứ Hai, tháng 12 21, 2009

Nỗi lòng nhà giáo

Chuyện về nhà giáo lâu nay rộ lên toàn những thông tin buồn, rồi dư luận xã hội lên án thầy giáo này, cô giáo nọ. Nhưng có ở trong cuộc thì may ra mới thấu làm thầy cô giáo trong thời buổi này cực lắm thay! Mà các nhà giáo đích thực thường vốn hiền lành, cũng chỉ biết than thở với nhau và tự an ủi: thôi đành, đã mang lấy nghiệp vào thân… Chuyện buồn nhiều tập, biết đâu kể đó, cho mọi người hiểu thầy cô
1. Chuyện thứ nhất:
            Một bà mẹ có con đang học lớp 8  trường N. tình cờ đã kể cho tôi nghe câu chuyện bà được chứng kiến nhãn tiền: bà nghe con than cô giáo nghiêm lắm, nên tìm đến cô để hỏi han chuyện học hành của con. Đến trường, vừa gặp cô, chưa kịp nói gì thì thấy một ông tóc tai dài thượt, mặt mày đỏ gay, cầm theo một cây mã tấu sáng loáng, hùng hổ xông vào trường, réo tên cô giáo của con bà ra chửi: Con nào không cho con tao vào lớp? Ngon ra đây!... Ồn ào một hồi, cô giáo tái mét mặt, lo tránh vào phòng hội đồng. Bảo vệ không dám ra mặt, hiệu trưởng phải gọi công an tới nhờ can thiệp. Chuyện sau được phân giải rõ ràng, mới hay:  ông con quí tử của vị nọ khai giảng 2 tuần không đến lớp, tuần thứ ba mới lững thững bước vào. Tất nhiên là cô giáo nổi giận, yêu cầu gặp phụ huynh, thằng con biến mất 3 ngày, rồi sau đó ông bố hùng hổ tìm cô giáo định…xin tí huyết! Cô giáo mà hiền lành nhát sợ thì chả hiểu ông con trời kia sẽ quậy đến đâu?
2. Chuyện thứ hai:
            Bà chị họ đang là giáo viên trường THCS Ng. lên nhà, gặp trúng chú em đồng nghiệp bèn than thở: không biết chú dạy cấp 3 thế nào, còn cấp 2 bây giờ loạn lắm!
Chị dạy ở trường bán công, học trò toàn là thành phần phức tạp. Trường vừa qua đợt thanh tra, bà chị bị than phiền: sao sổ điểm nhiều con zê-rô thế này, chứng tỏ trình độ năng lực cô kém, không giáo dục được học sinh! Thanh tra gì mà toàn chú ý hình thức, phải chia mấy cột, mấy hàng, thậm chí còn bắt ne bắt nẹt dặn dò phải nói đúng bài bản, rập khuôn! Bà chị ấm ức: hừm, mấy ổng giỏi thì đứng lớp mà giảng cho học sinh tui! Học trò bỏ học, tui phải đến từng nhà năn nỉ đi học lại, nó học yếu, phản ánh với phụ huynh thì họ tỉnh bơ: tại tui muốn con tui nghỉ, cô cho nó đi học thì cô ráng chịu chớ! Rồi lớp chị năm rồi cho học trò thi lại, lưu ban nhiều cũng bị phê bình: dạy sao mà lưu ban nhiều! Hiệu trưởng muốn cho lên lớp, tui cho lên cái rẹt, nhưng ai chịu chất lượng đây? Cho ở lại cũng la, cho lên lớp cũng la, khổ thân tui phải dạy cái trường học trò ham chơi hơn ham học. Nó có thiết tha gì! Có đứa mới lớp 6, bỏ học gia đình không quan tâm, bán cái cho nhà trường, thằng nhỏ đi tuốt theo lũ bụi đời, trấn cướp bị bắt, công an báo về, gia đình mới tưng hửng: ủa, sáng nào nó cũng cầm vở đi mà!
3. Chuyện thứ ba:
            Hàng năm, các trường THPT tiếp nhận một khối lượng lớn học sinh THCS vào, tui cũng như nhiều giáo viên trẻ phấn khởi: hồ sơ học bạ toàn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến! Điểm số các môn “cao ngất Trường Sơn”. Nhưng than ôi, chỉ một tháng sau, qua các bài kiểm tra mới thấy bàng hoàng khi điểm số học trò hành quân 1,2,3… Có đến quá nửa lớp! Có nhiều trò viết sai chính tả đến kinh hoàng! Còn chữ viết thì…than ôi khỏi nói. Trước kia dạy trường bình thường, ngỡ đến khi sang trường chuyên đỡ hơn! Nhưng học trò chuyên phần nhiều chỉ giỏi môn chuyên, kiến thức có khá hơn nhưng chính tả, chữ viết thì giống y như học trò nơi khác! Nên năm nào cũng mất công củng cố kiến thức nền, bổ sung thêm kiến thức văn hoá – xã hội - lịch sử mới tạm tạm. Trong lòng cứ băn khoăn: bây giờ sách vở nhiều, phương tiện lắm, chính sách giáo dục nghiêm, chương trình cải cách liên tục, tại sao và tại ai mà giáo dục cứ bị than là ngày càng xuống cấp?
Hà Nội, 5.12.2007

Vui buồn nghề giáo...

Đến nay, tính ra thời gian đi dạy của tôi đã hơn 15 năm. So với bạn bè cùng trang lứa thì chậm hơn những 4 năm, còn tính theo lương phạn thì chậm hơn những 9 năm. Nghĩa là tuổi đời thì lớn, nhưng so ra tuổi nghề thì còn ít hơn bạn bè! Nhưng hơn 15 năm cũng đủ có những vui buồn của nghề giáo. Có thể ai đó sẽ hỏi tôi có khi nào cảm thấy nổi nóng, có khi nào cảm thấy thất vọng với nghề , có khi nào chán nản với học sinh hay không? Bây giờ nhìn lại chặng đường đã qua, cũng đã có nhiều khuôn mặt, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, cũng đủ để ghi lại những cảm nghĩ về nghề một cách bình thản hơn!
* *
*
Trước hết việc tôi được đi dạy là nhờ tấm lòng của người thầy đã dìu dắt tôi từ phổ thông: nhà giáo ưu tú Trương Tham. Khi nghe tin học trò cưng thất nghiệp đã dự định bỏ nghề, nhân gặp học trò cũ đến thăm, thầy đã nhắn tôi đến gặp. Khi ấy, tôi ngỡ mình đã xếp tấm bằng loại giỏi của mình để yên tâm cùng công việc kinh doanh gas với anh ruột thì đã được đón nhận một cơ hội đứng trên bục giảng, và tôi đã cố không phụ lòng thầy. Tôi cũng phải cảm ơn sâu sắc cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Mùi, khi nhận hồ sơ của học trò cũ trở về trường giảng dạy đã không chút phân vân dang rộng vòng tay cưu mang và cô cũng rất ân tình, nghiêm khắc như một người mẹ. Cô dám chấp nhận cá tính và yêu cầu cao trong công việc, không buộc tôi bị ràng buộc vào những áp lực thi đua, điểm số. Chính sự tận tình ấy của các bậc thầy cũng như sự ân tình của các đồng nghiệp, đàn anh đi trước đã giúp tôi vững tin ở chính mình. Sau này, có dịp gặp gỡ một số bạn bè ở một vài địa phương khác, khi nghe kể tôi về trường dạy mà không tốn kém gì, không phải chạy chọt xin xỏ, nhiều bạn tôi tròn mắt không tin! Vì theo lời của họ, để vào một trường công lập, một trường có "lộc" thì chí ít phải có giá quy định, có nơi có chỗ thậm chí bằng trung bình không có cửa, bằng khá phải nộp 50 triệu, bằng giỏi phải nộp 80 triệu (!). Đến lượt tôi ngỡ ngàng vì nghe lần đầu tiên, chuyện ở ngay mảnh đất học, mảnh đất văn hiến! Hỡi ôi, ngày ấy nếu có chuyện như thế thì chắc chắn tôi sẽ không bao giờ cảm nhận ý nghĩa thiêng liêng của nghề giáo mà giờ đây tôi đã coi như nghiệp của mình. Hoá ra đâu đây người ta dùng tiền để mua bán đổi chác ngay trong ngành giáo dục, vậy thì làm sao mà có ai yên tâm "trồng người"? Lúc đó, học sinh tất yếu sẽ phải bị đối xử theo quan hệ tiền bạc. Mà trong nghề này, dính dáng đến tiền bạc thì khó mà toàn tâm toàn ý với nghề!

Thứ Sáu, tháng 12 04, 2009

Tản mạn thôn Vỹ

Bây giờ, mỗi khi đọc thơ Hàn Mặc Tử, bài " Ở đây thôn Vỹ Dạ" (mà sách giáo khoa lấy theo tên gọi quen thuộc hơn với mọi người là "Đây thôn Vỹ Dạ"), tôi lại nhớ câu thơ của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm trước tiên: "Thôn Vỹ bây giờ thành phường Vỹ..." mà tôi đã đọc được trên báo Văn nghệ những năm 90, nhiều nhà thơ từng xôn xao tiếc nuối cho sự kiện này! Đằng sau câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm, tôi nhận ra một nỗi đau thấm thía!
May thay, khi còn là sinh viên, trước khi thôn Vỹ hoàn tất quá trình đô thị hoá với hàng loạt khách sạn, tôi đã được tắm đẫm trong không gian của một đêm trăng thôn Vỹ, đêm trăng đậm chất Hàn Mặc Tử. Xin được cảm ơn đêm cổ-tích ấy đã bắt đầu cho những rung động mới mẻ của hồn tôi, khi cảm nhận về Em, Người-Thơ của tôi. Thôn Vỹ ghi dấu cho một mối tình đâm hoa kết trái trong lòng tôi, để tôi biết có em trong đời:
Lòng cứ vọng một đêm trăng xứ Huế
Vỹ Dạ thôn, em bước nhẹ như sương...
(Thơ cũ)
Bởi tôi đã nhận thấy hồn thôn Vỹ trong đêm trăng huyền diệu ấy! Sau một cơn mưa, ánh trăng loang loáng mặt nứơc Hương Giang, loang loáng trên những tàu dừa, để tôi phát hiện ra ánh trăng-xanh đẹp đến nao lòng! Thôn Vỹ đi vào mối tình thơ của tôi, để sau này mỗi lần giảng bài cho học sinh là lại một lần được xúc động:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đuờng mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đâu bến sông Trăng đó
Có chở Trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
HÀN MẶC TỬ
Có lẽ từ trăng thôn Vỹ, trăng trong thơ Hàn mà tôi cứ ương bướng không chịu thừa nhận sửa lại cách gọi nhà thơ là Hàn Mạc Tử (chàng rèm lạnh) như các công trình nghiên cứu đề nghị(chẳng hạn Phạm Xuân Tuyển trong "Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử") mà cứ khư khư giữ lại vầng trăng khuyết để làm nên tên gọi Hàn Mặc Tử (chàng bút mực). Vì tôi nghĩ, thơ Hàn mà thiếu vầng trăng thì dường như mất mát đi cái thi vị nhiều lắm! Thôn Vỹ trong lòng tôi là thôn Trăng, sông Hương trong lòng tôi phải là sông Trăng! Và người thôn Vỹ trong thơ Hàn phải là người Trăng - "Người Trăng ăn vận toàn Trăng cả - Gò má riêng thôi lại đỏ hườm".
Ánh trăng trong bài thơ thôn Vỹ của Hàn làm cho toát lên sức sống diệu kỳ của đất cố đô, dù cho bạn thân của ông là Bích Khê cũng có câu thơ về thôn Vỹ thật hay (nhưng cũng thật buồn và thiêu thiếu một cái gì đó thật mơ hồ không cắt nghĩa được - trăng chăng?):
Vỹ Dạ thôn! Vỹ Dạ thôn!
Biếc che cần trúc không buồn mà say
(Vỹ Dạ thôn)
Cũng đâu phải ngẫu nhiên, khi tuyển chọn những bài thơ về Đất Thần Kinh, các nhà soạn sách đã đặt tên là Bài thơ thôn Vỹ - thôn Vỹ của Hàn Mặc Tử đã đi vào cõi bất tử!
Trong một ngày sương mù Hà Nội, bỗng nhiên nhớ về thôn Vỹ, nhớ ra lâu lắm rồi tôi chưa ghé lại! Mà hỡi ôi, "thôn Vỹ bây giờ thành phường Vỹ" - liệu tôi có còn tìm lại được chút gì thôn Vỹ của lòng tôi? Nhưng tôi sẽ còn mãi thôn Vỹ của thơ Hàn nói hộ:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hà Nội, 31 tháng Giêng năm 2007
Lãng tử Trần Nam

Hành trình đến cùng Hàn Mặc Tử

Có lẽ duyên hội ngộ thật sự của tôi với Hàn Mặc Tử bắt đầu từ những câu thơ trong ngần của Hàn đã được tôi chép lại lõm bõm theo lời giảng ngẫu hứng "vượt rào" của thầy Trương Tham thời phổ thông:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Tôi ngỡ ngàng vì hoá ra trong dòng văn học "bạc nhược và suy đồi" như người ta bảo hồi ấy lại có những câu thơ hay đầy sức mê hoặc như thơ của Hàn Mặc tử. Tâm hồn trong trẻo của một học sinh yêu văn ngày ấy đã khiến tôi rất tự nhiên đi tìm những nguồn tư liệu để biết thêm về một nhà thơ đã gắn tên tuổi với Quy Nhơn của tôi. Mặc dù đã đọc được về Hàn trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh và Hoài Chân từ rất sớm nhưng những nhận xét từ cuốn sách ấy chưa làm thoả mãn sự háo hức của một cậu học sinh tò mò, lại càng khiến tôi muốn khám phá kỹ hơn vào "vườn thơ rộng rinh", "càng đi xa càng ớn lạnh" của Hàn Mặc Tử.
Tôi còn nhớ ngày ấy, khi cuốn "Thơ Hàn Mặc tử" (Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988) vừa ra đời, tôi đã lật ngay những trang đầu tiên và lập tức bị chấn động rất mạnh (và sau đó nhiều lần còn bị ám ảnh) bởi lời tựa "Hàn Mặc Tử, anh là ai?" của Chế Lan Viên: "Bây giờ Hàn Mặc Tử nằm trên một điểm cao Gành Ráng đối diện với bể Đông, bể chói loà như thơ Anh và giông bão tựa đời Anh...". Có lẽ bắt đầu từ những dòng cảm xúc tuôn trào của Chế Lan Viên về Hàn Mặc Tử, tôi đã cảm nhận được sự hiện hữu ủa thơ Hàn trong từng con sóng biển Quy Nhơn, nơi tôi gắn bó từ quãng đời thơ ấu đến lúc trưởng thành dường như lung linh một chất thơ rất riêng kết tinh từ thơ Hàn:
"Ngả nghịêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang"
và: "Mây hờ không phủ đồi cao nữa
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi..."
Tôi bắt đầu hình dung ra thế giới thơ của Hàn Mặc Tử - một thế giới sáng láng thơm tho với sự hiện diện của hai nguồn sáng tinh khiết: trăng và nắng. Tôi lại cảm thấy nguồn sinh lực dồi dào phát tiết từ tiếng thơ Hàn luôn rạo rực cảm giác Xuân.
Ngày ấy, bập bõm bình văn, tôi đã say sưa cùng cái trong ngần nắng sớm của "Mùa Xuân Chín", viết xong rồi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác ngất ngây trong thi ảnh của Hàn:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng Trí bâng khuâng sực nhớ làng
-Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Cảm giác ấy bao lần trở lại với tôi, không hề phai nhạt dù sau này tâm hồn chai sạn dần cùng năm tháng.
Yêu thơ Hàn, tôi cũng đã không bviết bao nhiêu lần tìm đến Quy Hoà, cố hình dung những cảnh sắc lưu lại giây phút cuối cuộc đời tài hoa ấy. Tôi cũng cố chiêm nghiệm cảm giác của Hàn khi bao lần ngồi dưới bóng trăng, nghe sóng biển mà lại vọng lên tiếng thơ Hàn như lay động trên những rặng phi lao: "Trăng bay lả tả ngả trên cành vàng". Rồi thì: "Người trăng ăn vận toàn trăng cả - Gò má riêng thôi lại đỏ hườm". Cái ánh trăng vào thơ Hàn có lúc vang động những tiếng rú, tiếng gào, có lúc lại vô cùng ma quái ấy thì vẫn là trăng của tâm hồn thánh thiện ấy thôi, vẫn là trăng của thuở : "Mới lớn lên trăng đã thẹn thò - Thơm như tình ái của ni cô"...
Đến lúc biết yêu, tôi lại càng ngấm thơ của Hàn hơn nữa. Dần dần tôi đã thẩm thấu nỗi đau của một người khát yêu, khát sống mà bị tách ra khỏi đời sống cộng đồng thật khủng khiếp như thế nào với Hàn. Tôi thích đọc những câu thơ mà nỗi đau lặn vào trong cào xé, nhưng lại biểu lộ ra bằng giọng điệu như thủ thỉ mà khiến lòng người đọc như ứa máu:
Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa
Trời ở trong đây chẳng có mùa
Không có niềm trăng và ý nhạc
Có nàng cung nữ nhớ thương vua
"Hỏi nhẹ nhàng thôi nhưng mà đau đớn lắm!", đó là nguyên vẹn những suy nghĩ của tôi khi được đọc những dòng thơ ấy. Và trước nỗi đau như vậy, làm sao có thể bình thêm gì nữa?
Sau này nhiều lần tham dự những buổi tưởng niệm nhà thơ, do anh em văn nghệ tự tổ chức, tôi lại được ôn lại những vần thơ của Hàn mà chiêm nghiệm thêm bao ý tứ mới mẻ, càng thêm yêu con người bị đày đọa trong nỗi thống khổ vô biên mà vẫn khát yêu khát sống ngay cả trong những vần thơ đớn đau như rứt từng mảng sự sống:
Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng
Mỗi khi đọc thơ Hàn, tôi thường để cho lòng mình lắng hết mọi bon chen tục lụy, để cho thơ Hàn lắng cõi tâm tư thật sự trong ngần. Hàn Mặc Tử lúc ấy mới thật sự là của tôi, không phải của các nhà phê bình nhiều chữ nghĩa lắm học thuyết đem Hàn ra mổ xẻ.
Đêm nay, Hàn lại đến bên tôi, trong nỗi nhớ Quy Nhơn, trong tình quê đau đáu:
TÌNH QUÊ
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Giòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê...
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề...
HÀ NỘI, 2h15p ngày 24 tháng 3 năm 2007
Trần Hà Nam

Thứ Tư, tháng 11 25, 2009

Một lần chợt nghe...

"Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa, giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì. Lòng chợt bình yên mà sao buồn thế, giật mình nhìn ra ồ phố xa lạ..."
Lâu nay sống như một gã ẩn cư: đi dạy, về nhà lên mạng, tranh cãi vui buồn gì cũng trên mạng. Thỉnh thoảng ra phố, chợt thấy mình như không bắt nhịp với cuộc sống xung quanh.
Bon chen mà chi! Dạy thêm cũng có tiền đấy, nhưng phải có không khí, có sự hào hứng, còn tìm cách để học trò đi học thêm thì đó không phải là phong cách của mình. Viết lách giờ này cũng chán, khi chứng kiến những kẻ mượn danh văn chương mà sống với nhau chẳng ra gì! Thơ hay chưa chắc con người đã hay, nhất là khi dính vào bả quyền lực danh vọng.
Muốn làm một người bình thường, không say sưa, không bốc đồng như thuở trước khi tròn bốn chục! Muốn ngồi lặng lẽ, thưởng thức ly cà phê mà ngẫm chuyện đời. Mong có những học trò thật đam mê văn chương để mình dạy khỏi bị cảm giác nhàm chán!...
Hóa ra mình còn nhiều mong ước quá!!!
Tự cười!

Thứ Bảy, tháng 10 24, 2009

Văn ơi là Văn!

Năm nay trở lại chiến trường học sinh giỏi sau mấy năm trời, từ khoá chuyên Văn cuối cùng trước kia là khoá 5, giờ là khoá 11!!! Cảm nhận rất rõ một điều học sinh bây giờ có lối tư duy và hiểu biết khác hẳn thế hệ trước. Tai hại thay, những tư duy kiểu ấy và hiểu biết kiểu ấy làm cho môn Văn ngày càng khô héo đi, nhiệt tình và độ kiên nhẫn của mình cũng giảm sút đáng kể.
Mà còn cả chương trình, SGK nữa! Một mớ nát vụn những kiến thức tập hợp tản mạn gây khó cho giáo viên. Với mình thì ít nhiều còn chút kinh nghiệm và khả năng ứng phó, còn với trò thì nhiều bài học giống như cực hình. Cách học của trò thấy rõ hậu quả ở lớp 12! Sáng nay nổi giận khi kiểm tra vở ghi của học trò 12: xác suất 12 học trò thì có tới 4 học trò không có vở Văn, 6 học sinh ghi bài để trống lỗ chỗ hoặc chỉ ghi ý của thầy sơ sài (điều chưa từng xảy ra với quy mô lớn ở học trò các lứa trước), chỉ có 1 cuốn ghi tử tế, một cuốn cố gắng ghi ý và lời giảng. Mà mình dạy đâu có đuổi theo thời gian để vội vàng! Tự dưng cảm thấy tốn hơi phí sức! Lại phải phá lệ dành thời gian ...la học trò. Không thể nghĩ là học trò lớp chuyên mà lại thế! Cứ nghĩ là học sinh chuyên như các năm trước! Còn tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân. Không hiểu rằng mình có đủ kiên nhẫn và nhiệt tình không, nếu học trò tiếp tục như thế? Chán ngán!

Thứ Sáu, tháng 10 23, 2009

TIỀN

Gần tuổi bốn mươi tôi biết mình hời hợt

Sống rất lãng du làm khổ gia đình

Tiền, tiền, tiền với đời là điệp khúc

Còn tôi không tiền vẫn cứ coi khinh



Ôi những đồng tiền giấy vô thanh

Không thể thành thơ

Không thăng hoa thành nhạc

Nhưng không thể làm ve sầu suốt ngày ca hát

Không thể vung tiền trong những cuộc vui

***

Gì thì gì tôi cũng sắp bốn mươi

Còn gì đau hơn bất tài vô tướng

Cứ việc mình mình

Lạc bước trong thế giới ảo với bao tưởng tượng

Mở mắt nhìn hoá đơn méo hết mặt mày



Không lẽ kiếm tiền chỉ nhờ ăn may

Hay tự biến mình thành gã ba hoa phét lác

Thất thểu về nhà vợ con xơ xác

Tiền đâu, tiền đâu, câu hỏi lòng vòng

***

Tuổi gần bốn mươi vẫn hoàn tay không

Tích cốc phòng cơ không lo không nghĩ

Tự giận mình: ta, thằng ích kỷ

Hay hớm gì đâu ca khúc thanh bần?



Dẫu với đời, ta không vướng nợ nần

Ta nợ gia đình sức dài vai rộng

Bỗng thấy vô duyên câu "ăn để sống"

Không kiếm ra tiền, mai mốt lấy gì ăn?

3.2008

Thơ cũ

TRẦN HÀ NAM

MÙA XUÂN

Khi thấy sắc mai chạm nơi đầu ngõ
tôi biết mùa xuân
Xuân muộn hay xuân sớm
Sắc hoa không cho người già (*)

Tôi biết mùa xuân trong mắt con thơ
niềm háo hức nhận lì xì năm mới
Tôi biết mùa xuân qua rồi vội vã
Cánh mai vàng tơi tả
nỗi buồn trong mắt mẹ mênh mang
Có phải "mùa xuân trong đôi mắt em" (**)
Xuân này nữa rồi bao mùa xuân nữa?
Có bao nhiêu lòng xuân khép cửa
Bao dự cảm mong manh
Thì xuân đất trời cứ mãi xanh
Cho lòng ta nỗi buồn thôi đọng lại
Nghe khúc nhạc xuân êm ái
Ta tự ru mình
Mùa Xuân...

T.H.N
....................................
(*) Thơ Lưu Vũ Tích

(**) Bài hát "Mùa xuân trong đôi mắt em"





ĐÔI KHI

Không có chocolate cho ngày tình nhân
Bởi vị ngọt ngào đôi khi nhiều điêu trá
Đôi khi hoa hồng lại mang sắc vàng nhạt nhẽo
Vì ta hờ hững những ân tình.

Có lúc tình yêu
tưởng mong manh sương khói
Tan tác cánh hoa
Đôi khi ở gần nhau mà lòng lại cách xa
Chợt nhận ra trái tim mình bạc bẽo!

Khi ta còn yêu, chỉ cần em hiểu
Cần chi chocolate, cần chi phải hoa hồng
Sự lãng mạn ngọt ngào đâu thể thiếu
Khi tình yêu kết duyên nợ vợ chồng!

Đôi khi một nụ hôn đủ thay lời ta nói
Một nụ cười làm ấm mãi lòng nhau
Hạnh phúc đôi khi chỉ cần mắt nhìn trong mắt
Tay trong tay mà sống đến bạc đầu!

2.2008
T.H.N

CHO MỘT MÙA THU

Em là một áng mây thu

Hồn ta cơn gió phiêu du mấy mùa

Trời làm chi một cơn mưa

Mây thành nước mắt, gió lùa lạnh căm



Ta về tròn mộng trăm năm

Nghe hồn trống vắng, nghe thân hao gầy

Trời cao mây trắng vẫn bay

Cánh chim mỏi tháng năm dài ngủ yên



Dẫu mai đời lắm ưu phiền

Còn em trọn vẹn một miền bâng khuâng

Người xưa đành gọi cố nhân

Để cho mây trắng phân vân mấy mùa.

1994



MỘT THOÁNG HƯ VÔ

Hư vô đi qua một thoáng trong đời và để lại rất nhiều trống vắng. em đã đến giữa đời tôi lẳng lặng và ra đi như sợi gió mong manh.

Thưa em câu thơ tôi khép lại giữa cõi lòng chập chờn ảo ảnh chiêm bao. Không vầng trăng khuyết, chẳng đĩa dầu hao nhưng vẫn mông lung là nỗi nhớ.

Trong một thoáng hư vô tôi vẫn còn nhận rõ thời gian chỉ đem cho con người những dấu vết của tàn phai. Có đôi khi nghe nuối tiếc thở dài nhưng tự nhủ đời mình may mắn lắm.

Em đã viết những lời bão tố, rồi gửi cho tôi con sóng nhỏ bình yên. Nên tôi suốt đời chẳng thể lãng quên, dù tất cả qua đi như bóng khói…

Trót sinh kiếp đa tình không chối bỏ. Thôi em đi ta tiễn khúc tạ từ. Đã xa xăm lắm một cơn mưa, trời ở đây nóng bỏng từng giọt nắng…

1994

Thu bất chợt

Không mưa
Không nắng
Và tôi không biết mùa Thu đang lặng lẽ qua!
Có cơn gió heo may làm rùng mình
Khi nghĩ về những buổi chiều dằng dặc
Nhớ thương ôi
tít tắp
xa mù...
+++
Khi trong đầu trống rỗng
lặng câm
mùa thu với bao vẻ đẹp
bỗng trôi qua âm thầm
Nỗi buồn ở lại
thắc thỏm
giật mình
Thu!

Thứ Năm, tháng 10 22, 2009

Bình thơ: Thời gian

Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh

Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm
Hồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm

Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua
Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi
Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?

Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân.
H.M.T
(Đau thương - phần Hương thơm)
Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) là một trong những hiện tượng đặc sắc của phong trào Thơ Mới Việt Nam (1932 – 1945), đặc biệt ở tập thơ Đau thương (tức Thơ Điên) đã có một sự kết hợp độc đáo của một tâm hồn thống khổ vì bệnh tật, tình duyên, bị tách biệt khỏi cuộc đời với một khả năng trác tuyệt của một cây bút sáng tạo cách tân để tạo thành những bài thơ cho đến nay vẫn chưa thể giải mã được cặn kẽ. Đứng từ góc độ thi pháp học, người viết xin nêu một vài suy nghĩ nhỏ về thời gian nghệ thuật trong một tác phẩm cụ thể: bài thơ Thời gian , nằm trong phần Hương thơm của tập thơ Đau thương.
Trước khi sáng tác thơ mới, Hàn Mặc Tử đã nổi tiếng là một người làm thơ Đường luật điêu luyện. Bởi thế, chắc chắn nhà thơ không hề xa lạ với những quan niệm thời gian đã thành khuôn mẫu, chuẩn mực truyền thống của luật thơ có ảnh hưởng đến cả hàng nghìn năm văn học phương Đông này. Thời gian trong thơ Đường với những đặc trưng: thời gian bất biến gắn với không gian vũ trụ, những biểu tượng thời gian mang ý nghĩa ước lệ tượng trưng. Bởi thế, muốn thấy rõ dấu ấn thay đổi quan niệm nghệ thuật từ thơ cũ sang thơ mới, không thể không phân tích sự thay đổi quan niệm về thời gian trong thơ của Hàn Mặc Tử, ý thức thời gian gắn liền với cảm quan thẩm mỹ của thơ mới, với cái tôi cá nhân cá thể ý thức được sự hiện hữu cũng như muốn bày tỏ khát vọng chiếm lĩnh vẻ đẹp, bộc lộ chính mình. Lấy nhan đề bài thơ là Thời gian , phải chăng nhà thơ muốn phát biểu trực tiếp quan niệm của chủ thể trữ tình, quan niệm của chủ nghĩa lãng mạn muốn phá bỏ những thành trì của thơ cổ điển?
Trước hết có thể nhận ra nhà thơ muốn hợp nhất thời gian với tình yêu và tuổi trẻ, trong sự đối lập với thời gian đã qua với thời gian hiện tại. Đó không phải là thời gian vô hình mà là thời gian đã được vật chất hoá, có thể nhận biết qua các dấu hiệu ngôn ngữ biểu trưng và sự kết hợp ngôn từ độc đáo: thời xanh, mùi vị thơm tho, ái tình. Thời gian ấy không phải của kiếp người, đời người gắn với cảm nhận nhân thế, thời thế mà cụ thể hoá trong thời gian cá thể: một ái tình! Xuất hiện ngay từ khổ thơ đầu của bài thơ là một cảm thức tiếc nuối thời gian một đi không trở lại trong cấu trúc câu hỏi “còn đâu…?” tạo nên cảm giác hụut hẫng, mất mát, không giống với sự trôi chảy thông thường mà đồng nghĩa với mất mát tuổi trẻ và tình yêu. Thực ra cảm thức về sự mất mát này từng được nhắc đến trong thơ cổ điển với tần số không ít, cả thơ Trung Hoa lẫn Việt Nam nhưng các nhà thơ xưa thường cảm nhận sự bất biến của thời gian trong quan niệm thời gian tuần hoàn của vũ trụ đối lập với thời gian đời người mất đi vĩnh viễn. Hàn Mặc Tử đã tuyên chiến với quan niệm ấy bằng thái độ dứt khoát, thách đố với những chữ đố, đừng tưởng hướng vào những người ôm ảo tưởng về thời gian vũ trụ tuần hoàn.
Bằng thái độ phủ nhận, nhà thơ đã phát biểu rõ quan niệm của mình trong khổ thơ thứ hai:
Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm
Hồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm
Theo cách nói này, cũng có nghĩa là không có “ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” (dịch thơ Thôi Hiệu đời Đường), biểu trưng của thời gian vũ trụ bất biến, tuần hoàn. Điều đó cũng có nghĩa là không có sự hiện hữu của quá khứ trong thời gian thực tại, trong vẻ đẹp hiện thực. Tác giả định danh và liên tưởng các giá trị thời gian bằng chuỗi từ ngàn xưa - hồn xưa – cõi hư vô, nhằm khẳng định một giá trị âm. Những cái “xưa” ấy chỉ là “hư vô”, tập hợp rỗng. Cùng với hồn xưa không về nữa từ ngàn xưa - thời điểm được xác định là tự ấy đồng thời làm hiện lên một không gian trống vắng, hoang lạnh, điêu tàn, càng làm tăng ấn tượng đau thương. Vậy thì hương thơm có tồn tại trong thời gian này hay không? Cái gì còn lại khi ngàn xưa, hồn xưa đã biệt mù tăm tích?
Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua
Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi
Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?
Nếu như ở hai khổ đầu là cảm nhận về thời gian thực thì đến khổ thứ ba này Hàn Mặc Tử đã “ảo hoá” thời gian. Có một sự kết hợp rất độc đáo quan niệm của thơ lãng mạn, thơ tượng trưng với các biểu tượng của thơ ca cổ điển Trung Hoa. Nếu lớp bụi, thời gian quá khứ đánh dấu sự tan rữa của giá trị vĩnh hằng – kiên trinh như nhà thơ đã tuyên bố thì phải chăng ở khổ này ông tự mâu thuẫn với chính mình. Khác với các nhà thơ cổ điển nhận ra ở trăng sao sự đồng nhất hay tuần hoàn của thời gian vũ trụ thì Hàn Mặc Tử chỉ thừa nhận ý nghĩa biểu tượng ánh sáng – cái đẹp tồn tại vĩnh hằng mà thôi. Ánh sáng bất diệt ấy vượt qua quy luật của thời gian, thể hiện khát khao hướng về cái đẹp tuyệt đối của thi sĩ lãng mạn Hàn Mặc Tử. Ở ý thơ này, Hàn Mặc Tử cũng đối lập với một nhà thơ mới khác là Xuân Diệu (Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn - Giục giã). Hàn Mặc Tử hướng về Cái Đẹp tuyệt đối, tạo ra một địa chỉ lưu giữ vĩnh viễn vẻ đẹp thời gian trong con người hiện tại. Ngôn ngữ đối thoại như người đồng thời với Tây Thi - người đẹp thời Chiến quốc đã xác lập mối quan hệ thời gian xưa – nay một cách độc đáo, tạo thành dòng thời gian tâm tưởng, thời gian khát vọng vượt qua hư vô một cách mãnh liệt. Qua đó, nhà thơ bộc lộ cảm giác mê đắm ngất say trước vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà.
Khát vọng hướng về cái đẹp đã khiến nhà thơ rơi vào trạng thái hoang mang, khẩn cầu trước quy luật của tạo hoá. Đó cũng là mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực của các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới. Dù cách diễn đạt khác nhau nhưng thường trực ý thức về thời gian gắn với cái đẹp khiến các nhà thơ mới gặp nhau trong quan niệm. Cũng giống như Xuân Diệu muốn “tắt nắng”, “buộc gió” cho “màu đừng nhạt mất ”, “hương đừng bay đi” thì Hàn Mặc Tử đã khấn nguyện da diết:
Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân
Rõ ràng một mặt nhà thơ nắm rõ quy luật vận động của thời gian, mặt khác nhà thơ lại muốn cưỡng quy luật biến đổi ấy. Đó là mâu thuẫn bên trong của tâm hồn yêu cái đẹp, xung đột giữa hiện thực và khát vọng không thể hoá giải. Nhưng đó cũng là cách nhà thơ khẳng định lòng mình, trân trọng nâng niu những khoảnh khắc thời gian hằng sống, bộc lộ cái tôi cá nhân mãnh liệt nhất. Trái tim vẫn giữ màu tươi của tình yêu, của cái đẹp đến muôn đời. Bài thơ giúp ta hiểu hơn về quan niệm thời gian, quan niệm sống của Hàn Mặc Tử, đồng thời hiểu thêm giá trị của Cái Đẹp, của Tình Yêu qua những vần thơ chan chứa tình yêu sự sống và con người của nhà thơ.

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2007
TRẦN HÀ NAM

Bình thơ: Mùa Xuân Chín

Mùa Xuân chín
(Hàn Mặc Tử )

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
1939
    Mùa xuân – qua nét phóng bút tài hoa của Hàn Mặc Tử, bỗng trở nên duyên dáng và có sức cuốn hút lạ thường. Xuân như thiếu nữ mơn mởn đào tơ, tràn căng sức sống, song xuân không hiện lên rõ nét mà cứ huyền ảo, như thực như hư. Không thể chỉ đọc từng câu từng chữ mà cảm được bài thơ. Cần cảm thụ quyện hòa từng luồng cảm giác.
    Mở đầu bài thơ là một khung cảnh được từ từ hé mở. Không gian tươi mát, rõ ràng. Thi sĩ rắc màu lên từng cảnh sắc. Lấm tấm vàng của mái tranh, biếc xanh giàn thiên lý. Chợt nghe như sự sống bừng dậy, bỡn cợt, gợi tình. Câu thơ chuyển mạch rất nhanh với cách ngắt nhịp tài tình “bóng xuân sang”. Cảnh mới thực bỗng thoắt trở nên mơ hồ. Bóng xuân lướt nhanh ẩn hiện làm ta ngỡ ngàng. Mùa xuân,  qua con mắt thi nhân, phập phồng sức sống. Màu xanh tươi lan tỏa ngút mắt. Vút lên cao là tiếng hát tuổi xuân xanh. Màu sắc, âm thanh trộn đều tạo một không gian động, hồn nhiên thơ mộng. Tưởng chừng ta gặp hồn thơ Nguyễn Du qua vẻ đẹp: “Cỏ non xanh tận chân trời”, song ta nhận ra Hàn Mặc Tử bởi những cảm giác quẫy mạnh trong từng câu thơ, ta cảm được cái rùng mình của mùa xuân qua làn “sóng cỏ”. Thi sĩ lặng mình trước mùa xuân, chợt bâng khuâng nhủ lòng mình :
    “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
    Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
    Câu thơ lắng nỗi buồn nhẹ nhàng, man mác cái buồn cố hữu của những nhà thơ thời đó. Cái tiếc rẻ cho duyên con gái một đi không trở lại. Không giục giã, hối hả gấp gáp như Xuân Diệu “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ – Em, em ơi tình non sắp già rồi!” nhưng với hai câu thơ này Hàn Mặc Tử đã mang tới cho người đọc những đợt sóng ngầm tình cảm gấp gáp, hối hả mà duyên dáng lạ thường.
    Những âm thanh trong bài thơ chuyển động, cọ xát nóng bỏng : “vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thĩ”. Các cung bậc mùa xuân lên bổng, xuống trầm tinh nghịch, khát khao, dịu nhẹ. Những gam cảm giác Hàn Mặc Tử đưa vào thơ rất mới lạ mà lại gần gũi, quen thuộc. Thấp thoáng đâu đây khuôn “mặt chữ điền” như thơ Đường; mà lại có vẻ hồn nhiên, rụt rè của cô gái tơ mới lần đầu hò hẹn. Âm thanh, cảm giác được đẩy lên cao vút, nao nức, bâng khuâng.
    Tận cùng của cảm giác là một nỗi nhớ nao lòng. Xuân chín căng, mời mọc làm nguời đi xa chạnh niềm tha hương. Hình ảnh trong nỗi nhớ sáng rực, thân thiết:
    “Chị ấy năm nay còn gánh thóc
    Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang?”
    Nỗi nhớ như mùa xuân, cũng chín đỏ. Như tình người, tình quê ấm áp, đậm đà. Câu hỏi tưởng bâng quơ, sực nhớ kia chính là nỗi niềm mến thương  từ lâu ủ kín, chợt mùa xuân làm thức dậy trìu mến, thiết tha.
    Bài thơ của Hàn Mặc Tử đầy nhựa sống như tâm hồn của nhà thơ luôn khát khao giao cảm với đời. Với mùa xuân, Hàn Mặc Tử yêu say đắm, điên cuồng : “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống” – lời của thi nhân đã được đem vào trong bao áng thơ diễm tuyệt, kết tinh hương sắc làm nên một “mùa xuân chín”.

                            Trần Hà Nam
GV trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định

Bình thơ : Những giọt lệ

NHỮNG GIỌT LỆ
                            Hàn Mặc Tử
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Để khối lòng tôi cứng tợ si?

Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã , mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?



    Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống
                            HÀN MẶC TỬ

    Những giọt lệ thơ đã bắt đầu bằng những lời tự vấn lòng mình trong nỗi ám ảnh của sự sống bị hủy diệt. Một lời van, một nỗi hờn, một cảm giác đớn đau vì thất tình đã hòa tan vầng mặt trời trong máu. “Bao giờ… bao giờ… bao giờ?”, tất cả những lời ấy như một cơn lốc xoáy cuộn tâm hồn vào chốn hư vô băng cứng. Đàng sau mong mỏi được chết là khát vọng sống riết róng; đàng sau lời chối bỏ tình yêu là trái tim ngộp thở vì yêu, đàng sau sự đóng băng xúc cảm là nỗi lòng đang tổn thương, lột xác trở về vẹn nguyên hình hài ban sơ yếu ớt run rẩy vì tuyệt vọng. Cảm giác ấy chỉ có thể và phải là Hàn Mặc Tử diễn đạt thì mới thực. Bởi nó được viết ra giữa lúc thống khổ dâng tràn.
    Ở đâu, cội nguồn của những tổn thương dày vò ấy? Là hoàn cảnh “họ đã xa rồi” ư? Nhân gian bao lần nhỏ lệ biệt ly! Hay là do “khôn níu lại”? Cũng chẳng có gì mới mẻ những nuối tiếc về một điều quí giá đã mất đi. Sự lý giải nằm ngay trong ẩn số của tâm hồn :
Lòng thương chưa đã , mến chưa bưa
    Đó là khát vọng mãnh liệt nhất đã tan thành mây khói, lững lờ trong những chữ “chưa” đau đáu khát khao. Nếu dùng chữ “không” để tăng thêm cảm giác tuyệt vọng thì thực chất bài thơ sẽ bị hỏng hoàn toàn. Có lẽ Hàn Mặc Tử cũng chẳng phải đắn đo những chữ “không” – “chưa” như một thi sĩ mới học nghề muốn cường điệu hóa cảm xúc. Bởi trong giờ phút ấy, chỉ có tấm lòng thành thực nhất mới tự nhiên kết thành chữ “chưa” đầy nước mắt, ám ảnh của những hạnh phúc đã trải qua và nỗi bất hạnh thực tại. Thời gian ngưng đọng trong khoảnh khắc để nhà thơ ý thức rất rõ khoảng trống chân không vô trọng lực của lòng mình. Tất cả quay cuồng, đảo lộn, là cảm nhận :
Tôi điên tôi nói như người dại
Van lạy không gian xóa những ngày
Là sự hòa trộn:
Xin dâng này máu đang tươi
Này đây tiếng khóc giọng cười chen nhau
Là nửa mê, nửa tỉnh, nửa chết nửa tồn tại :
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
Trong tiếng lòng của thi nhân, ta nghe một nỗi niềm thiết tha cùng cuộc sống, với con người. Tình Yêu ấy đâu chỉ là tình cảm lứa đôi mà còn là tình yêu lớn thi nhân dành cho đời. Vậy nên, trong giờ phút biệt ly thống khổ, nhà thơ đã bộc lộ niềm đau dâng lên đỉnh điểm.
    Khổ thơ cuối là sự diễn tả chi tiết của trạng thái thất tình, từ nhận thức đến vô thức, trong cái nhìn chập chờn ảo ảnh. Sẽ chẳng có gì đáng nói ở khổ thơ này ngoại trừ những dẫn chứng tuyệt đối chính xác cho một bác sĩ tâm thần học, nếu như không có “những giọt châu” khép lại bài thơ. Đó là phẩm chất của “những giọt lệ” tình. Để gọi về một Tình Yêu sống trọn với một “lòng thương” đang nức nở.
                                                        TRẦN HÀ NAM

Bình thơ : Trăng Vàng Trăng Ngọc

TRĂNG VÀNG TRĂNG NGỌC
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò...
Bao giờ đậu trạng vinh qui đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!
Hàn Mặc Tử

“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!”
Hàn Mặc Tử đang reo to lên với mọi người. Ta ngỡ như nhà thơ đang nhảy nhót mừng vui. Như điên cuồng: “Ai mua Trăng tôi bán Trăng cho”. TRăng nào của riêng Hàn Mặc Tử? Nhưng Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử lại là một góc rất riêng của thi nhân. Như mỗi một Người-Thơ đích thực đều có một vầng trăng của riêng mình. Tôi không so sánh được Hàn Mặc Tử với thi tiên Trung Hoa Lý Bạch – nhà thơ của Rượu và Trăng, bởi giữa hai nhà thơ là hai thế giới hoàn toàn khác. Điều có thể khẳng định là ở Việt Nam ta, Hàn Mặc Tử là người viết về trăng hay số một trong số những thi sĩ lãng mạn 1932 – 1945. Vầng trăng đã trở thành sự gắn bó định mệnh với nhà thơ, trăng càng viên mãn thì thân thể nhà thơ càng bị đau đớn hao khuyết. Vẻ đẹp của trăng đã được Hàn Mặc Tử cảm nhận bằng chính nỗi đau thể phách của mình. Có hiểu vậy ta mới thấy mỗi lời thơ của Hàn Mặc Tử như được rứt ra tự sâu thẳm tâm hồn.
“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!”
Trăng của Hàn Mặc Tử. Mang nỗi đau vò xé thể xác nhưng tâm hồn đầy khát vọng của nhà thơ. Lời, từng lời choáng ngợp, sáng láng. Bệnh tật đẩy nhà thơ ra khỏi thế giới người bình thường, do định kiến của xã hội. Sự đày đọa thể xác cũng không bằng sự đày đọa tinh thần nhà thơ phải gánh chịu: cảm giác cô đơn. Hàn Mặc Tử cô đơn, cô đơn khủng khiếp. Có ai làm người mà lại thích cô đơn, nên người nào lâm vào cảnh đó cũng cố tìm một nguồn chia sẻ. Với Hàn Mặc Tử, là Trăng. Phải, chỉ còn Trăng cạnh nhà thơ, an ủi tâm hồn, vực dậy trong nhà thơ những tâm tư, khát khao vươn về cuộc sống. Khát vọng lớn lắm nên những câu thơ như huyết mạch sôi lên gấp gáp: “Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!”. Trăng là phần đời, là sự sống của Người:
“Tôi đang cầu nguyện cho Trăng tôi”
Không chỉ là bạn tâm tình, trăng đã thành sự hoá thân: “Tôi cũng Trăng mà nàng cũng Trăng” (Huyền ảo); thành nguồn thơ bất tuyệt: “Cả miệng ta trăng là trăng” (Một miệng trăng). Người “chơi giữa mùa trăng” để thấy mình tan ra trong cảm giác hoà nhập với ánh sáng. Trăng thành nguồn sáng trong đêm tối đời Người. Cho nên ta không lấy làm lạ khi đi vào vườn thơ của Hàn Mặc Tử, ta đã được tắm trong luồng ánh sáng kỳ ảo của Trăng, trong đủ mọi cung bậc cảm giác, lúc ấm nồng, khi ớn lạnh. Nguồn Thơ, Nguồn Trăng, “Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang?”. Một khi còn khat khao giao cảm với đời, nhà thơ làm sao có thể đánh đổi vầng trăng để mua về sự tuyệt vọng?
Hàn Mặc Tử đã vào cõi vĩnh hằng tròn 50 năm*, nhưng đã mấy ai hiểu hết tấm lòng nhà thơ? Viết những câu thơ như đùa, như bỡn kia, nhà thơ đã phải sống, phải cảm “bằng máu, bằng lệ, bằng hồn”, sống đến tận cùng sự sống.
Vẫn là vầng trăng đêm đêm toả sáng, chúng ta có thể coi là chuyện bình thường. Nhưng vầng trăng đã trở thành cõi – thiêng – liêng toả sáng hồn thơ Hàn Mặc Tử: “Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời”. Ngậm ngùi cho cuộc đời thi nhân, ta càng khâm phục, kính yêu người – thơ ấy: từ căn bệnh tuyệt vọng, từ cuộc sống đau thương, vẫn vươn lên nhập cuộc với Đời, bám víu lấy Đời bằng những luồng tơ trăng mỏng mảnh. Để sống. Để kết tụ hương – thơm qua những vần thơ diễm lệ:
“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!”
Qui Nhơn tháng 8 – 10 năm 1990
T.H.N
* Thời điểm viết bài này là 1990,đến nay là gần 68 năm Hàn ra đi!

Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử

(Thời Văn số 7 – tháng 8.1995)
• Trần Hà Nam
Trong những bài thơ của mình, Hàn Mặc Tử đã có lần tự phát hiện:
Té ra ta vốn làm thi sĩ
Khát khao trăng gió mà không hay
Ta đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng nhảy
Trên sóng cành, sóng lá, cô gì má đỏ hây hây
   (Ngủ với trăng)
Có thể nói không ngoa: Hàn Mặc tử đã tạo lập được không gian thơ cho riêng mình. “Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử…” (Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân). Dường như gió bụi cuộc đời đã không thâm nhập được vào vùng “thượngthanh khí” đó. Dường như trong đó, mọi cảm xúc được thăng hoa đến tột đỉnh. Nhưng cũng trong cái mê hoặc huyền ảo vô cùng ấy, người đọc còn cảm nhận được những âm thanh rất đời thường, chỉ có điều âm thanh ấy không hề bị pha tạp vẩn đục bởi muội khói của lửa dục vọng thấp hèn:
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
   (Mùa Xuân chín)
Những câu thơ trên đem lại cái thú cho người đọc như được lắng nghe âm điệu dặt dìu của tiếng sáo diều đồng quê, pha một chút gợi tình của câu chuyện Tiêu Sử – Lộng Ngọc cưỡi hạc thổi tiêu. Chất ngọt ngào quyến rũ của âm thanh từ lưng trời đổ xuống mang một “ý vị” riêng, làm máu chực trào ra ngoài huyết quản, hồn bật ra ngoài thể xác, trở về với vẻ trinh bạch hoang sơ ban đầu. Trời, đất, trăng, sao ấy có một sức sống riêng mãnh liệt:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!
   (Bẽn lẽn)
Sức gợi của không gian thơ Hàn Mặc Tử rất lớn. So với thiên nhiên phồn thực kia, những cảm xúc của con người mới nhỏ bé tội nghiệp làm sao! Không, đúng hơn là anh hoa của con người đã phát tiết, có độ cảm được trời đất. Tả một thôn nữ ngóng chồng, Hàn Mặc Tử đã táo tợn hơn thi sĩ đời Đường lắm lắm! Thơ Đường chỉ nói: “Yên thảo như bích ty – Tần tang đê lục chi – Đương quân hoài qui nhật – Thị thiếp đoạn trường thì – Xuân phong bất tương thức – Hà sự nhập la vi” (1) (Xuân Tứ – Lí Bạch). Ý hai câu thơ cuối của bài thơ này đã được Hàn Mặc Tử  điểm xuyết vào những nét sinh động: vẫn trăng, vẫn hoa, vẫn gió nhưng đã được thi nhân thổi vào luồng hơi đam mê rạo rực.
Choáng ngợp trong không gian thơ của Hàn Mặc Tử là ánh sáng. Lúc nhiệm mầu huyền ảo, lúc sáng láng thơm tho, lúc tưng bừng rộn rã. Ánh sáng ấy có đủ các “gam” màu nóng, lạnh, ấm, mát, hội tụ đủ tinh khí của đất trời và anh hoa cảm xúc của con người. Hãy xem trăng:
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ
  (Đà Lạt trăng mờ)
Trăng bay lả tả ngả trên cành vàng
  (Rượt trăng)
Và nắng:
Mây hờ không phủ đồi cao nữa
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi
Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu
Sau rào khẽ liếm cặp môi tươi…
  (Nắng tươi)
Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợp trời!
  (Xuân đầu tiên)
Tắm mình trong không gian ánh sáng ấy, bản thân Hàn Mặc Tử cũng đã ngấm cái ngất ngây khoái lạc đến độ điên cuồng:
Tôi chết giả và no nê vô hạn
Cười như điên sặc sụa cả mùi trăng
  (Hồn là ai)
Ánh sáng đó đã không còn là của đất trời này, nó đã thuộc về miền-siêu-nhiên ban chứa những phép màu gột rửa mọi niềm đau. Hàn Mặc Tử trong giờ phút quằn quại thống khổ cả tâm hồn lẫn thể xác, cũng đã hướng về cõi vô biên mà khấn nguyện:
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chấp tay tôi lạy cả miền không gian
  (Một miệng trăng)
Con người khi bị lâm vào cảnh tách biệt thế giới thường cố tự tìm một lối thoát, níu lấy một sợi dây mong manh giao cảm với đời. Hàn Mặc tử không chỉ đóng vai trò tìm kiếm mà còn tự tạo lập cho mình được cả một thế giới. Đôi lúc ta thoáng rùng mình kinh dị vì gặp trong đó những hồn, những ảo ảnh rên siết, những chuỗi cười tiếng rú vang động xôn xao trong những hàng thơ. Đó là những khi nhà thơ bị giam hãm trong nỗi tuyệt vọng của bệnh tật. Người đọc dễ bị lây lan cảm xúc của Hàn Mặc Tử. Song cũng giống như khi người ta đứng trước một đại dương đang cuồng nộ, khi bão tố qua rồi, cơn sợ hãi không còn thì người ta lại có thể đứng lặng hàng giờ chiêm ngưỡng cái hùng vĩ thẳm sâu của biển cả, nghe những nhịp yêu thương mát dịu tâm hồn. Ta cũng có thể ví những vần thơ của Hàn Mặc Tử như vậy, dù “máu cuồng và hồn điên” có réo gào dữ dội thì đằng sau vẫn đầy ngát “hương thơm” của một nguồn thơ thanh sạch vốn khát yêu thương:
Ta cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát
Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương
   (Nguồn thơm)
“Dòng thơ rất mát” ấy phải chăng chỉ đến “Xuân như ý” mới bắt đầu? Cái chất men làm nên tình của Hàn Mặc Tử thực ra đã khởi sắc từ tập “Gái quê”. Hàn Mặc Tử làm thơ bằng một hồn say: “Tôi say tình cũng như tôi say trăng, say người thục nữ, say kinh cầu nguyện, say trời tương tư…” (Tình – thơ văn xuôi). Nguồn cảm hứng ấy khác hơn, lạ hơn so với nhiều thi sĩ cùng thời. Huy Cận gom trời đất trong nỗi sầu, chàng lãng tử Nguyễn Bính có cả “Vạn lí  tương tư, vũ trụ tình”, cái tình lấn át cái cảnh. Còn Hàn Mặc Tử là cả một vùng ánh sáng chói loà, con người lặn ngụp trong vùng sáng lạ lùng đó, thành ra “người trăng ăn vận toàn trăng cả”, “tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”, sức giao cảm giữa lòng người và trời đất đã đạt đến độ hoà nhập tuyệt đối:
Lãng tử ơi! Mi là tên hành khất
May không chết lạnh trước lầu mĩ nhân
Ta đi tìm mộng tầm xuân
Gặp ma nhà Nguyễn bay trên mây
Rượu nắng uống vào thì say
Aùo ta rách rưới trời không vá
Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng
   (Lang thang)
Đọc những dòng thơ trên, có thể chúng ta ngơ ngác vì không hiểu thi nhân định nói gì. Nhưng hãy nhập hồn vào cảm giác sẽ gặp được cái tình rất thật: khát khao về một niềm hạnh phúc. Đất trời thì vẫn đấy, trăng sao là chốn bất diệt, người ao ước được yêu thương, đến khi buồn đau thì cũng chỉ có trăng sao trời đất làm nguồn an ủi. Lệ đã khô theo mối sầu vạn cổ nhưng tình vẫn đẹp trong một cõi chiêm bao, trở thành niềm ước ao:
Tôi ước ao là tôi ước ao
Tình tôi vô lượng sẽ dâng cao
Như bông trăng nở, bông trăng nở
Những cánh bông thơ trắng ngạt ngào
   (Ước ao)
Chỉ có trăng sao là bất diệt – Cái gì khác nữa thảy đi qua”, Hàn Mặc Tử đã viết như vậy. Cả một trời thơ nguyên vẹn trắng tinh khôi ấy đang lặng lẽ toả hương, cho mỗi người chúng ta được hái về ấp ủ một vài bông thơ thấm đẫm tinh hoa của một Người – Thơ tài hoa mệnh bạc.
         Qui Nhơn 12.1991 – 3.1995
     Đánh lại vi tính ngày 4.5.2007
              T.H.N
.---------------------------
(1) Bản dịch của Khương Hữu Dụng: “Cỏ Yên xanh như tơ – Dâu Tần biếc rợp bờ – Khi anh lòng quê dậy – Là em khúc ruột vò – Gió xuân chẳng quen biết – Lọt màn chi ỡm ờ?”