Thứ Bảy, tháng 10 24, 2009

Văn ơi là Văn!

Năm nay trở lại chiến trường học sinh giỏi sau mấy năm trời, từ khoá chuyên Văn cuối cùng trước kia là khoá 5, giờ là khoá 11!!! Cảm nhận rất rõ một điều học sinh bây giờ có lối tư duy và hiểu biết khác hẳn thế hệ trước. Tai hại thay, những tư duy kiểu ấy và hiểu biết kiểu ấy làm cho môn Văn ngày càng khô héo đi, nhiệt tình và độ kiên nhẫn của mình cũng giảm sút đáng kể.
Mà còn cả chương trình, SGK nữa! Một mớ nát vụn những kiến thức tập hợp tản mạn gây khó cho giáo viên. Với mình thì ít nhiều còn chút kinh nghiệm và khả năng ứng phó, còn với trò thì nhiều bài học giống như cực hình. Cách học của trò thấy rõ hậu quả ở lớp 12! Sáng nay nổi giận khi kiểm tra vở ghi của học trò 12: xác suất 12 học trò thì có tới 4 học trò không có vở Văn, 6 học sinh ghi bài để trống lỗ chỗ hoặc chỉ ghi ý của thầy sơ sài (điều chưa từng xảy ra với quy mô lớn ở học trò các lứa trước), chỉ có 1 cuốn ghi tử tế, một cuốn cố gắng ghi ý và lời giảng. Mà mình dạy đâu có đuổi theo thời gian để vội vàng! Tự dưng cảm thấy tốn hơi phí sức! Lại phải phá lệ dành thời gian ...la học trò. Không thể nghĩ là học trò lớp chuyên mà lại thế! Cứ nghĩ là học sinh chuyên như các năm trước! Còn tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân. Không hiểu rằng mình có đủ kiên nhẫn và nhiệt tình không, nếu học trò tiếp tục như thế? Chán ngán!

Thứ Sáu, tháng 10 23, 2009

TIỀN

Gần tuổi bốn mươi tôi biết mình hời hợt

Sống rất lãng du làm khổ gia đình

Tiền, tiền, tiền với đời là điệp khúc

Còn tôi không tiền vẫn cứ coi khinh



Ôi những đồng tiền giấy vô thanh

Không thể thành thơ

Không thăng hoa thành nhạc

Nhưng không thể làm ve sầu suốt ngày ca hát

Không thể vung tiền trong những cuộc vui

***

Gì thì gì tôi cũng sắp bốn mươi

Còn gì đau hơn bất tài vô tướng

Cứ việc mình mình

Lạc bước trong thế giới ảo với bao tưởng tượng

Mở mắt nhìn hoá đơn méo hết mặt mày



Không lẽ kiếm tiền chỉ nhờ ăn may

Hay tự biến mình thành gã ba hoa phét lác

Thất thểu về nhà vợ con xơ xác

Tiền đâu, tiền đâu, câu hỏi lòng vòng

***

Tuổi gần bốn mươi vẫn hoàn tay không

Tích cốc phòng cơ không lo không nghĩ

Tự giận mình: ta, thằng ích kỷ

Hay hớm gì đâu ca khúc thanh bần?



Dẫu với đời, ta không vướng nợ nần

Ta nợ gia đình sức dài vai rộng

Bỗng thấy vô duyên câu "ăn để sống"

Không kiếm ra tiền, mai mốt lấy gì ăn?

3.2008

Thơ cũ

TRẦN HÀ NAM

MÙA XUÂN

Khi thấy sắc mai chạm nơi đầu ngõ
tôi biết mùa xuân
Xuân muộn hay xuân sớm
Sắc hoa không cho người già (*)

Tôi biết mùa xuân trong mắt con thơ
niềm háo hức nhận lì xì năm mới
Tôi biết mùa xuân qua rồi vội vã
Cánh mai vàng tơi tả
nỗi buồn trong mắt mẹ mênh mang
Có phải "mùa xuân trong đôi mắt em" (**)
Xuân này nữa rồi bao mùa xuân nữa?
Có bao nhiêu lòng xuân khép cửa
Bao dự cảm mong manh
Thì xuân đất trời cứ mãi xanh
Cho lòng ta nỗi buồn thôi đọng lại
Nghe khúc nhạc xuân êm ái
Ta tự ru mình
Mùa Xuân...

T.H.N
....................................
(*) Thơ Lưu Vũ Tích

(**) Bài hát "Mùa xuân trong đôi mắt em"





ĐÔI KHI

Không có chocolate cho ngày tình nhân
Bởi vị ngọt ngào đôi khi nhiều điêu trá
Đôi khi hoa hồng lại mang sắc vàng nhạt nhẽo
Vì ta hờ hững những ân tình.

Có lúc tình yêu
tưởng mong manh sương khói
Tan tác cánh hoa
Đôi khi ở gần nhau mà lòng lại cách xa
Chợt nhận ra trái tim mình bạc bẽo!

Khi ta còn yêu, chỉ cần em hiểu
Cần chi chocolate, cần chi phải hoa hồng
Sự lãng mạn ngọt ngào đâu thể thiếu
Khi tình yêu kết duyên nợ vợ chồng!

Đôi khi một nụ hôn đủ thay lời ta nói
Một nụ cười làm ấm mãi lòng nhau
Hạnh phúc đôi khi chỉ cần mắt nhìn trong mắt
Tay trong tay mà sống đến bạc đầu!

2.2008
T.H.N

CHO MỘT MÙA THU

Em là một áng mây thu

Hồn ta cơn gió phiêu du mấy mùa

Trời làm chi một cơn mưa

Mây thành nước mắt, gió lùa lạnh căm



Ta về tròn mộng trăm năm

Nghe hồn trống vắng, nghe thân hao gầy

Trời cao mây trắng vẫn bay

Cánh chim mỏi tháng năm dài ngủ yên



Dẫu mai đời lắm ưu phiền

Còn em trọn vẹn một miền bâng khuâng

Người xưa đành gọi cố nhân

Để cho mây trắng phân vân mấy mùa.

1994



MỘT THOÁNG HƯ VÔ

Hư vô đi qua một thoáng trong đời và để lại rất nhiều trống vắng. em đã đến giữa đời tôi lẳng lặng và ra đi như sợi gió mong manh.

Thưa em câu thơ tôi khép lại giữa cõi lòng chập chờn ảo ảnh chiêm bao. Không vầng trăng khuyết, chẳng đĩa dầu hao nhưng vẫn mông lung là nỗi nhớ.

Trong một thoáng hư vô tôi vẫn còn nhận rõ thời gian chỉ đem cho con người những dấu vết của tàn phai. Có đôi khi nghe nuối tiếc thở dài nhưng tự nhủ đời mình may mắn lắm.

Em đã viết những lời bão tố, rồi gửi cho tôi con sóng nhỏ bình yên. Nên tôi suốt đời chẳng thể lãng quên, dù tất cả qua đi như bóng khói…

Trót sinh kiếp đa tình không chối bỏ. Thôi em đi ta tiễn khúc tạ từ. Đã xa xăm lắm một cơn mưa, trời ở đây nóng bỏng từng giọt nắng…

1994

Thu bất chợt

Không mưa
Không nắng
Và tôi không biết mùa Thu đang lặng lẽ qua!
Có cơn gió heo may làm rùng mình
Khi nghĩ về những buổi chiều dằng dặc
Nhớ thương ôi
tít tắp
xa mù...
+++
Khi trong đầu trống rỗng
lặng câm
mùa thu với bao vẻ đẹp
bỗng trôi qua âm thầm
Nỗi buồn ở lại
thắc thỏm
giật mình
Thu!

Thứ Năm, tháng 10 22, 2009

Bình thơ: Thời gian

Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh

Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm
Hồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm

Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua
Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi
Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?

Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân.
H.M.T
(Đau thương - phần Hương thơm)
Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) là một trong những hiện tượng đặc sắc của phong trào Thơ Mới Việt Nam (1932 – 1945), đặc biệt ở tập thơ Đau thương (tức Thơ Điên) đã có một sự kết hợp độc đáo của một tâm hồn thống khổ vì bệnh tật, tình duyên, bị tách biệt khỏi cuộc đời với một khả năng trác tuyệt của một cây bút sáng tạo cách tân để tạo thành những bài thơ cho đến nay vẫn chưa thể giải mã được cặn kẽ. Đứng từ góc độ thi pháp học, người viết xin nêu một vài suy nghĩ nhỏ về thời gian nghệ thuật trong một tác phẩm cụ thể: bài thơ Thời gian , nằm trong phần Hương thơm của tập thơ Đau thương.
Trước khi sáng tác thơ mới, Hàn Mặc Tử đã nổi tiếng là một người làm thơ Đường luật điêu luyện. Bởi thế, chắc chắn nhà thơ không hề xa lạ với những quan niệm thời gian đã thành khuôn mẫu, chuẩn mực truyền thống của luật thơ có ảnh hưởng đến cả hàng nghìn năm văn học phương Đông này. Thời gian trong thơ Đường với những đặc trưng: thời gian bất biến gắn với không gian vũ trụ, những biểu tượng thời gian mang ý nghĩa ước lệ tượng trưng. Bởi thế, muốn thấy rõ dấu ấn thay đổi quan niệm nghệ thuật từ thơ cũ sang thơ mới, không thể không phân tích sự thay đổi quan niệm về thời gian trong thơ của Hàn Mặc Tử, ý thức thời gian gắn liền với cảm quan thẩm mỹ của thơ mới, với cái tôi cá nhân cá thể ý thức được sự hiện hữu cũng như muốn bày tỏ khát vọng chiếm lĩnh vẻ đẹp, bộc lộ chính mình. Lấy nhan đề bài thơ là Thời gian , phải chăng nhà thơ muốn phát biểu trực tiếp quan niệm của chủ thể trữ tình, quan niệm của chủ nghĩa lãng mạn muốn phá bỏ những thành trì của thơ cổ điển?
Trước hết có thể nhận ra nhà thơ muốn hợp nhất thời gian với tình yêu và tuổi trẻ, trong sự đối lập với thời gian đã qua với thời gian hiện tại. Đó không phải là thời gian vô hình mà là thời gian đã được vật chất hoá, có thể nhận biết qua các dấu hiệu ngôn ngữ biểu trưng và sự kết hợp ngôn từ độc đáo: thời xanh, mùi vị thơm tho, ái tình. Thời gian ấy không phải của kiếp người, đời người gắn với cảm nhận nhân thế, thời thế mà cụ thể hoá trong thời gian cá thể: một ái tình! Xuất hiện ngay từ khổ thơ đầu của bài thơ là một cảm thức tiếc nuối thời gian một đi không trở lại trong cấu trúc câu hỏi “còn đâu…?” tạo nên cảm giác hụut hẫng, mất mát, không giống với sự trôi chảy thông thường mà đồng nghĩa với mất mát tuổi trẻ và tình yêu. Thực ra cảm thức về sự mất mát này từng được nhắc đến trong thơ cổ điển với tần số không ít, cả thơ Trung Hoa lẫn Việt Nam nhưng các nhà thơ xưa thường cảm nhận sự bất biến của thời gian trong quan niệm thời gian tuần hoàn của vũ trụ đối lập với thời gian đời người mất đi vĩnh viễn. Hàn Mặc Tử đã tuyên chiến với quan niệm ấy bằng thái độ dứt khoát, thách đố với những chữ đố, đừng tưởng hướng vào những người ôm ảo tưởng về thời gian vũ trụ tuần hoàn.
Bằng thái độ phủ nhận, nhà thơ đã phát biểu rõ quan niệm của mình trong khổ thơ thứ hai:
Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm
Hồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm
Theo cách nói này, cũng có nghĩa là không có “ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” (dịch thơ Thôi Hiệu đời Đường), biểu trưng của thời gian vũ trụ bất biến, tuần hoàn. Điều đó cũng có nghĩa là không có sự hiện hữu của quá khứ trong thời gian thực tại, trong vẻ đẹp hiện thực. Tác giả định danh và liên tưởng các giá trị thời gian bằng chuỗi từ ngàn xưa - hồn xưa – cõi hư vô, nhằm khẳng định một giá trị âm. Những cái “xưa” ấy chỉ là “hư vô”, tập hợp rỗng. Cùng với hồn xưa không về nữa từ ngàn xưa - thời điểm được xác định là tự ấy đồng thời làm hiện lên một không gian trống vắng, hoang lạnh, điêu tàn, càng làm tăng ấn tượng đau thương. Vậy thì hương thơm có tồn tại trong thời gian này hay không? Cái gì còn lại khi ngàn xưa, hồn xưa đã biệt mù tăm tích?
Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua
Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi
Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?
Nếu như ở hai khổ đầu là cảm nhận về thời gian thực thì đến khổ thứ ba này Hàn Mặc Tử đã “ảo hoá” thời gian. Có một sự kết hợp rất độc đáo quan niệm của thơ lãng mạn, thơ tượng trưng với các biểu tượng của thơ ca cổ điển Trung Hoa. Nếu lớp bụi, thời gian quá khứ đánh dấu sự tan rữa của giá trị vĩnh hằng – kiên trinh như nhà thơ đã tuyên bố thì phải chăng ở khổ này ông tự mâu thuẫn với chính mình. Khác với các nhà thơ cổ điển nhận ra ở trăng sao sự đồng nhất hay tuần hoàn của thời gian vũ trụ thì Hàn Mặc Tử chỉ thừa nhận ý nghĩa biểu tượng ánh sáng – cái đẹp tồn tại vĩnh hằng mà thôi. Ánh sáng bất diệt ấy vượt qua quy luật của thời gian, thể hiện khát khao hướng về cái đẹp tuyệt đối của thi sĩ lãng mạn Hàn Mặc Tử. Ở ý thơ này, Hàn Mặc Tử cũng đối lập với một nhà thơ mới khác là Xuân Diệu (Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn - Giục giã). Hàn Mặc Tử hướng về Cái Đẹp tuyệt đối, tạo ra một địa chỉ lưu giữ vĩnh viễn vẻ đẹp thời gian trong con người hiện tại. Ngôn ngữ đối thoại như người đồng thời với Tây Thi - người đẹp thời Chiến quốc đã xác lập mối quan hệ thời gian xưa – nay một cách độc đáo, tạo thành dòng thời gian tâm tưởng, thời gian khát vọng vượt qua hư vô một cách mãnh liệt. Qua đó, nhà thơ bộc lộ cảm giác mê đắm ngất say trước vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà.
Khát vọng hướng về cái đẹp đã khiến nhà thơ rơi vào trạng thái hoang mang, khẩn cầu trước quy luật của tạo hoá. Đó cũng là mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực của các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới. Dù cách diễn đạt khác nhau nhưng thường trực ý thức về thời gian gắn với cái đẹp khiến các nhà thơ mới gặp nhau trong quan niệm. Cũng giống như Xuân Diệu muốn “tắt nắng”, “buộc gió” cho “màu đừng nhạt mất ”, “hương đừng bay đi” thì Hàn Mặc Tử đã khấn nguyện da diết:
Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân
Rõ ràng một mặt nhà thơ nắm rõ quy luật vận động của thời gian, mặt khác nhà thơ lại muốn cưỡng quy luật biến đổi ấy. Đó là mâu thuẫn bên trong của tâm hồn yêu cái đẹp, xung đột giữa hiện thực và khát vọng không thể hoá giải. Nhưng đó cũng là cách nhà thơ khẳng định lòng mình, trân trọng nâng niu những khoảnh khắc thời gian hằng sống, bộc lộ cái tôi cá nhân mãnh liệt nhất. Trái tim vẫn giữ màu tươi của tình yêu, của cái đẹp đến muôn đời. Bài thơ giúp ta hiểu hơn về quan niệm thời gian, quan niệm sống của Hàn Mặc Tử, đồng thời hiểu thêm giá trị của Cái Đẹp, của Tình Yêu qua những vần thơ chan chứa tình yêu sự sống và con người của nhà thơ.

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2007
TRẦN HÀ NAM

Bình thơ: Mùa Xuân Chín

Mùa Xuân chín
(Hàn Mặc Tử )

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
1939
    Mùa xuân – qua nét phóng bút tài hoa của Hàn Mặc Tử, bỗng trở nên duyên dáng và có sức cuốn hút lạ thường. Xuân như thiếu nữ mơn mởn đào tơ, tràn căng sức sống, song xuân không hiện lên rõ nét mà cứ huyền ảo, như thực như hư. Không thể chỉ đọc từng câu từng chữ mà cảm được bài thơ. Cần cảm thụ quyện hòa từng luồng cảm giác.
    Mở đầu bài thơ là một khung cảnh được từ từ hé mở. Không gian tươi mát, rõ ràng. Thi sĩ rắc màu lên từng cảnh sắc. Lấm tấm vàng của mái tranh, biếc xanh giàn thiên lý. Chợt nghe như sự sống bừng dậy, bỡn cợt, gợi tình. Câu thơ chuyển mạch rất nhanh với cách ngắt nhịp tài tình “bóng xuân sang”. Cảnh mới thực bỗng thoắt trở nên mơ hồ. Bóng xuân lướt nhanh ẩn hiện làm ta ngỡ ngàng. Mùa xuân,  qua con mắt thi nhân, phập phồng sức sống. Màu xanh tươi lan tỏa ngút mắt. Vút lên cao là tiếng hát tuổi xuân xanh. Màu sắc, âm thanh trộn đều tạo một không gian động, hồn nhiên thơ mộng. Tưởng chừng ta gặp hồn thơ Nguyễn Du qua vẻ đẹp: “Cỏ non xanh tận chân trời”, song ta nhận ra Hàn Mặc Tử bởi những cảm giác quẫy mạnh trong từng câu thơ, ta cảm được cái rùng mình của mùa xuân qua làn “sóng cỏ”. Thi sĩ lặng mình trước mùa xuân, chợt bâng khuâng nhủ lòng mình :
    “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
    Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
    Câu thơ lắng nỗi buồn nhẹ nhàng, man mác cái buồn cố hữu của những nhà thơ thời đó. Cái tiếc rẻ cho duyên con gái một đi không trở lại. Không giục giã, hối hả gấp gáp như Xuân Diệu “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ – Em, em ơi tình non sắp già rồi!” nhưng với hai câu thơ này Hàn Mặc Tử đã mang tới cho người đọc những đợt sóng ngầm tình cảm gấp gáp, hối hả mà duyên dáng lạ thường.
    Những âm thanh trong bài thơ chuyển động, cọ xát nóng bỏng : “vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thĩ”. Các cung bậc mùa xuân lên bổng, xuống trầm tinh nghịch, khát khao, dịu nhẹ. Những gam cảm giác Hàn Mặc Tử đưa vào thơ rất mới lạ mà lại gần gũi, quen thuộc. Thấp thoáng đâu đây khuôn “mặt chữ điền” như thơ Đường; mà lại có vẻ hồn nhiên, rụt rè của cô gái tơ mới lần đầu hò hẹn. Âm thanh, cảm giác được đẩy lên cao vút, nao nức, bâng khuâng.
    Tận cùng của cảm giác là một nỗi nhớ nao lòng. Xuân chín căng, mời mọc làm nguời đi xa chạnh niềm tha hương. Hình ảnh trong nỗi nhớ sáng rực, thân thiết:
    “Chị ấy năm nay còn gánh thóc
    Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang?”
    Nỗi nhớ như mùa xuân, cũng chín đỏ. Như tình người, tình quê ấm áp, đậm đà. Câu hỏi tưởng bâng quơ, sực nhớ kia chính là nỗi niềm mến thương  từ lâu ủ kín, chợt mùa xuân làm thức dậy trìu mến, thiết tha.
    Bài thơ của Hàn Mặc Tử đầy nhựa sống như tâm hồn của nhà thơ luôn khát khao giao cảm với đời. Với mùa xuân, Hàn Mặc Tử yêu say đắm, điên cuồng : “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống” – lời của thi nhân đã được đem vào trong bao áng thơ diễm tuyệt, kết tinh hương sắc làm nên một “mùa xuân chín”.

                            Trần Hà Nam
GV trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định

Bình thơ : Những giọt lệ

NHỮNG GIỌT LỆ
                            Hàn Mặc Tử
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Để khối lòng tôi cứng tợ si?

Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã , mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?



    Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống
                            HÀN MẶC TỬ

    Những giọt lệ thơ đã bắt đầu bằng những lời tự vấn lòng mình trong nỗi ám ảnh của sự sống bị hủy diệt. Một lời van, một nỗi hờn, một cảm giác đớn đau vì thất tình đã hòa tan vầng mặt trời trong máu. “Bao giờ… bao giờ… bao giờ?”, tất cả những lời ấy như một cơn lốc xoáy cuộn tâm hồn vào chốn hư vô băng cứng. Đàng sau mong mỏi được chết là khát vọng sống riết róng; đàng sau lời chối bỏ tình yêu là trái tim ngộp thở vì yêu, đàng sau sự đóng băng xúc cảm là nỗi lòng đang tổn thương, lột xác trở về vẹn nguyên hình hài ban sơ yếu ớt run rẩy vì tuyệt vọng. Cảm giác ấy chỉ có thể và phải là Hàn Mặc Tử diễn đạt thì mới thực. Bởi nó được viết ra giữa lúc thống khổ dâng tràn.
    Ở đâu, cội nguồn của những tổn thương dày vò ấy? Là hoàn cảnh “họ đã xa rồi” ư? Nhân gian bao lần nhỏ lệ biệt ly! Hay là do “khôn níu lại”? Cũng chẳng có gì mới mẻ những nuối tiếc về một điều quí giá đã mất đi. Sự lý giải nằm ngay trong ẩn số của tâm hồn :
Lòng thương chưa đã , mến chưa bưa
    Đó là khát vọng mãnh liệt nhất đã tan thành mây khói, lững lờ trong những chữ “chưa” đau đáu khát khao. Nếu dùng chữ “không” để tăng thêm cảm giác tuyệt vọng thì thực chất bài thơ sẽ bị hỏng hoàn toàn. Có lẽ Hàn Mặc Tử cũng chẳng phải đắn đo những chữ “không” – “chưa” như một thi sĩ mới học nghề muốn cường điệu hóa cảm xúc. Bởi trong giờ phút ấy, chỉ có tấm lòng thành thực nhất mới tự nhiên kết thành chữ “chưa” đầy nước mắt, ám ảnh của những hạnh phúc đã trải qua và nỗi bất hạnh thực tại. Thời gian ngưng đọng trong khoảnh khắc để nhà thơ ý thức rất rõ khoảng trống chân không vô trọng lực của lòng mình. Tất cả quay cuồng, đảo lộn, là cảm nhận :
Tôi điên tôi nói như người dại
Van lạy không gian xóa những ngày
Là sự hòa trộn:
Xin dâng này máu đang tươi
Này đây tiếng khóc giọng cười chen nhau
Là nửa mê, nửa tỉnh, nửa chết nửa tồn tại :
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
Trong tiếng lòng của thi nhân, ta nghe một nỗi niềm thiết tha cùng cuộc sống, với con người. Tình Yêu ấy đâu chỉ là tình cảm lứa đôi mà còn là tình yêu lớn thi nhân dành cho đời. Vậy nên, trong giờ phút biệt ly thống khổ, nhà thơ đã bộc lộ niềm đau dâng lên đỉnh điểm.
    Khổ thơ cuối là sự diễn tả chi tiết của trạng thái thất tình, từ nhận thức đến vô thức, trong cái nhìn chập chờn ảo ảnh. Sẽ chẳng có gì đáng nói ở khổ thơ này ngoại trừ những dẫn chứng tuyệt đối chính xác cho một bác sĩ tâm thần học, nếu như không có “những giọt châu” khép lại bài thơ. Đó là phẩm chất của “những giọt lệ” tình. Để gọi về một Tình Yêu sống trọn với một “lòng thương” đang nức nở.
                                                        TRẦN HÀ NAM

Bình thơ : Trăng Vàng Trăng Ngọc

TRĂNG VÀNG TRĂNG NGỌC
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò...
Bao giờ đậu trạng vinh qui đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!
Hàn Mặc Tử

“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!”
Hàn Mặc Tử đang reo to lên với mọi người. Ta ngỡ như nhà thơ đang nhảy nhót mừng vui. Như điên cuồng: “Ai mua Trăng tôi bán Trăng cho”. TRăng nào của riêng Hàn Mặc Tử? Nhưng Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử lại là một góc rất riêng của thi nhân. Như mỗi một Người-Thơ đích thực đều có một vầng trăng của riêng mình. Tôi không so sánh được Hàn Mặc Tử với thi tiên Trung Hoa Lý Bạch – nhà thơ của Rượu và Trăng, bởi giữa hai nhà thơ là hai thế giới hoàn toàn khác. Điều có thể khẳng định là ở Việt Nam ta, Hàn Mặc Tử là người viết về trăng hay số một trong số những thi sĩ lãng mạn 1932 – 1945. Vầng trăng đã trở thành sự gắn bó định mệnh với nhà thơ, trăng càng viên mãn thì thân thể nhà thơ càng bị đau đớn hao khuyết. Vẻ đẹp của trăng đã được Hàn Mặc Tử cảm nhận bằng chính nỗi đau thể phách của mình. Có hiểu vậy ta mới thấy mỗi lời thơ của Hàn Mặc Tử như được rứt ra tự sâu thẳm tâm hồn.
“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!”
Trăng của Hàn Mặc Tử. Mang nỗi đau vò xé thể xác nhưng tâm hồn đầy khát vọng của nhà thơ. Lời, từng lời choáng ngợp, sáng láng. Bệnh tật đẩy nhà thơ ra khỏi thế giới người bình thường, do định kiến của xã hội. Sự đày đọa thể xác cũng không bằng sự đày đọa tinh thần nhà thơ phải gánh chịu: cảm giác cô đơn. Hàn Mặc Tử cô đơn, cô đơn khủng khiếp. Có ai làm người mà lại thích cô đơn, nên người nào lâm vào cảnh đó cũng cố tìm một nguồn chia sẻ. Với Hàn Mặc Tử, là Trăng. Phải, chỉ còn Trăng cạnh nhà thơ, an ủi tâm hồn, vực dậy trong nhà thơ những tâm tư, khát khao vươn về cuộc sống. Khát vọng lớn lắm nên những câu thơ như huyết mạch sôi lên gấp gáp: “Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!”. Trăng là phần đời, là sự sống của Người:
“Tôi đang cầu nguyện cho Trăng tôi”
Không chỉ là bạn tâm tình, trăng đã thành sự hoá thân: “Tôi cũng Trăng mà nàng cũng Trăng” (Huyền ảo); thành nguồn thơ bất tuyệt: “Cả miệng ta trăng là trăng” (Một miệng trăng). Người “chơi giữa mùa trăng” để thấy mình tan ra trong cảm giác hoà nhập với ánh sáng. Trăng thành nguồn sáng trong đêm tối đời Người. Cho nên ta không lấy làm lạ khi đi vào vườn thơ của Hàn Mặc Tử, ta đã được tắm trong luồng ánh sáng kỳ ảo của Trăng, trong đủ mọi cung bậc cảm giác, lúc ấm nồng, khi ớn lạnh. Nguồn Thơ, Nguồn Trăng, “Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang?”. Một khi còn khat khao giao cảm với đời, nhà thơ làm sao có thể đánh đổi vầng trăng để mua về sự tuyệt vọng?
Hàn Mặc Tử đã vào cõi vĩnh hằng tròn 50 năm*, nhưng đã mấy ai hiểu hết tấm lòng nhà thơ? Viết những câu thơ như đùa, như bỡn kia, nhà thơ đã phải sống, phải cảm “bằng máu, bằng lệ, bằng hồn”, sống đến tận cùng sự sống.
Vẫn là vầng trăng đêm đêm toả sáng, chúng ta có thể coi là chuyện bình thường. Nhưng vầng trăng đã trở thành cõi – thiêng – liêng toả sáng hồn thơ Hàn Mặc Tử: “Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời”. Ngậm ngùi cho cuộc đời thi nhân, ta càng khâm phục, kính yêu người – thơ ấy: từ căn bệnh tuyệt vọng, từ cuộc sống đau thương, vẫn vươn lên nhập cuộc với Đời, bám víu lấy Đời bằng những luồng tơ trăng mỏng mảnh. Để sống. Để kết tụ hương – thơm qua những vần thơ diễm lệ:
“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!”
Qui Nhơn tháng 8 – 10 năm 1990
T.H.N
* Thời điểm viết bài này là 1990,đến nay là gần 68 năm Hàn ra đi!

Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử

(Thời Văn số 7 – tháng 8.1995)
• Trần Hà Nam
Trong những bài thơ của mình, Hàn Mặc Tử đã có lần tự phát hiện:
Té ra ta vốn làm thi sĩ
Khát khao trăng gió mà không hay
Ta đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng nhảy
Trên sóng cành, sóng lá, cô gì má đỏ hây hây
   (Ngủ với trăng)
Có thể nói không ngoa: Hàn Mặc tử đã tạo lập được không gian thơ cho riêng mình. “Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử…” (Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân). Dường như gió bụi cuộc đời đã không thâm nhập được vào vùng “thượngthanh khí” đó. Dường như trong đó, mọi cảm xúc được thăng hoa đến tột đỉnh. Nhưng cũng trong cái mê hoặc huyền ảo vô cùng ấy, người đọc còn cảm nhận được những âm thanh rất đời thường, chỉ có điều âm thanh ấy không hề bị pha tạp vẩn đục bởi muội khói của lửa dục vọng thấp hèn:
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
   (Mùa Xuân chín)
Những câu thơ trên đem lại cái thú cho người đọc như được lắng nghe âm điệu dặt dìu của tiếng sáo diều đồng quê, pha một chút gợi tình của câu chuyện Tiêu Sử – Lộng Ngọc cưỡi hạc thổi tiêu. Chất ngọt ngào quyến rũ của âm thanh từ lưng trời đổ xuống mang một “ý vị” riêng, làm máu chực trào ra ngoài huyết quản, hồn bật ra ngoài thể xác, trở về với vẻ trinh bạch hoang sơ ban đầu. Trời, đất, trăng, sao ấy có một sức sống riêng mãnh liệt:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!
   (Bẽn lẽn)
Sức gợi của không gian thơ Hàn Mặc Tử rất lớn. So với thiên nhiên phồn thực kia, những cảm xúc của con người mới nhỏ bé tội nghiệp làm sao! Không, đúng hơn là anh hoa của con người đã phát tiết, có độ cảm được trời đất. Tả một thôn nữ ngóng chồng, Hàn Mặc Tử đã táo tợn hơn thi sĩ đời Đường lắm lắm! Thơ Đường chỉ nói: “Yên thảo như bích ty – Tần tang đê lục chi – Đương quân hoài qui nhật – Thị thiếp đoạn trường thì – Xuân phong bất tương thức – Hà sự nhập la vi” (1) (Xuân Tứ – Lí Bạch). Ý hai câu thơ cuối của bài thơ này đã được Hàn Mặc Tử  điểm xuyết vào những nét sinh động: vẫn trăng, vẫn hoa, vẫn gió nhưng đã được thi nhân thổi vào luồng hơi đam mê rạo rực.
Choáng ngợp trong không gian thơ của Hàn Mặc Tử là ánh sáng. Lúc nhiệm mầu huyền ảo, lúc sáng láng thơm tho, lúc tưng bừng rộn rã. Ánh sáng ấy có đủ các “gam” màu nóng, lạnh, ấm, mát, hội tụ đủ tinh khí của đất trời và anh hoa cảm xúc của con người. Hãy xem trăng:
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ
  (Đà Lạt trăng mờ)
Trăng bay lả tả ngả trên cành vàng
  (Rượt trăng)
Và nắng:
Mây hờ không phủ đồi cao nữa
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi
Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu
Sau rào khẽ liếm cặp môi tươi…
  (Nắng tươi)
Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợp trời!
  (Xuân đầu tiên)
Tắm mình trong không gian ánh sáng ấy, bản thân Hàn Mặc Tử cũng đã ngấm cái ngất ngây khoái lạc đến độ điên cuồng:
Tôi chết giả và no nê vô hạn
Cười như điên sặc sụa cả mùi trăng
  (Hồn là ai)
Ánh sáng đó đã không còn là của đất trời này, nó đã thuộc về miền-siêu-nhiên ban chứa những phép màu gột rửa mọi niềm đau. Hàn Mặc Tử trong giờ phút quằn quại thống khổ cả tâm hồn lẫn thể xác, cũng đã hướng về cõi vô biên mà khấn nguyện:
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chấp tay tôi lạy cả miền không gian
  (Một miệng trăng)
Con người khi bị lâm vào cảnh tách biệt thế giới thường cố tự tìm một lối thoát, níu lấy một sợi dây mong manh giao cảm với đời. Hàn Mặc tử không chỉ đóng vai trò tìm kiếm mà còn tự tạo lập cho mình được cả một thế giới. Đôi lúc ta thoáng rùng mình kinh dị vì gặp trong đó những hồn, những ảo ảnh rên siết, những chuỗi cười tiếng rú vang động xôn xao trong những hàng thơ. Đó là những khi nhà thơ bị giam hãm trong nỗi tuyệt vọng của bệnh tật. Người đọc dễ bị lây lan cảm xúc của Hàn Mặc Tử. Song cũng giống như khi người ta đứng trước một đại dương đang cuồng nộ, khi bão tố qua rồi, cơn sợ hãi không còn thì người ta lại có thể đứng lặng hàng giờ chiêm ngưỡng cái hùng vĩ thẳm sâu của biển cả, nghe những nhịp yêu thương mát dịu tâm hồn. Ta cũng có thể ví những vần thơ của Hàn Mặc Tử như vậy, dù “máu cuồng và hồn điên” có réo gào dữ dội thì đằng sau vẫn đầy ngát “hương thơm” của một nguồn thơ thanh sạch vốn khát yêu thương:
Ta cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát
Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương
   (Nguồn thơm)
“Dòng thơ rất mát” ấy phải chăng chỉ đến “Xuân như ý” mới bắt đầu? Cái chất men làm nên tình của Hàn Mặc Tử thực ra đã khởi sắc từ tập “Gái quê”. Hàn Mặc Tử làm thơ bằng một hồn say: “Tôi say tình cũng như tôi say trăng, say người thục nữ, say kinh cầu nguyện, say trời tương tư…” (Tình – thơ văn xuôi). Nguồn cảm hứng ấy khác hơn, lạ hơn so với nhiều thi sĩ cùng thời. Huy Cận gom trời đất trong nỗi sầu, chàng lãng tử Nguyễn Bính có cả “Vạn lí  tương tư, vũ trụ tình”, cái tình lấn át cái cảnh. Còn Hàn Mặc Tử là cả một vùng ánh sáng chói loà, con người lặn ngụp trong vùng sáng lạ lùng đó, thành ra “người trăng ăn vận toàn trăng cả”, “tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”, sức giao cảm giữa lòng người và trời đất đã đạt đến độ hoà nhập tuyệt đối:
Lãng tử ơi! Mi là tên hành khất
May không chết lạnh trước lầu mĩ nhân
Ta đi tìm mộng tầm xuân
Gặp ma nhà Nguyễn bay trên mây
Rượu nắng uống vào thì say
Aùo ta rách rưới trời không vá
Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng
   (Lang thang)
Đọc những dòng thơ trên, có thể chúng ta ngơ ngác vì không hiểu thi nhân định nói gì. Nhưng hãy nhập hồn vào cảm giác sẽ gặp được cái tình rất thật: khát khao về một niềm hạnh phúc. Đất trời thì vẫn đấy, trăng sao là chốn bất diệt, người ao ước được yêu thương, đến khi buồn đau thì cũng chỉ có trăng sao trời đất làm nguồn an ủi. Lệ đã khô theo mối sầu vạn cổ nhưng tình vẫn đẹp trong một cõi chiêm bao, trở thành niềm ước ao:
Tôi ước ao là tôi ước ao
Tình tôi vô lượng sẽ dâng cao
Như bông trăng nở, bông trăng nở
Những cánh bông thơ trắng ngạt ngào
   (Ước ao)
Chỉ có trăng sao là bất diệt – Cái gì khác nữa thảy đi qua”, Hàn Mặc Tử đã viết như vậy. Cả một trời thơ nguyên vẹn trắng tinh khôi ấy đang lặng lẽ toả hương, cho mỗi người chúng ta được hái về ấp ủ một vài bông thơ thấm đẫm tinh hoa của một Người – Thơ tài hoa mệnh bạc.
         Qui Nhơn 12.1991 – 3.1995
     Đánh lại vi tính ngày 4.5.2007
              T.H.N
.---------------------------
(1) Bản dịch của Khương Hữu Dụng: “Cỏ Yên xanh như tơ – Dâu Tần biếc rợp bờ – Khi anh lòng quê dậy – Là em khúc ruột vò – Gió xuân chẳng quen biết – Lọt màn chi ỡm ờ?”