Chủ Nhật, tháng 8 29, 2010

Kỉ niệm về người bác đáng kính

Tôi theo Cha từ Hà Đông về quê Phước Thành năm 1976.
Trong kí ức về tuổi thơ, tôi ấn tượng nhất khi được gặp bác Tám, anh họ của Cha. Bác là con của Ông Nghè, anh ruột Ông Nội tôi. Ở xóm Vân Tập, nhà bác cách nhà tôi ba căn, cứ mỗi lần về quê thể nào tôi cũng lên thăm bác. Sở dĩ tôi thích được lên nhà bác chơi vì lúc nào gặp bác cũng được bác kêu ra võng, ngồi lên bụng bác! Ngày đó, nhìn tướng bác phúc hậu như ông Địa, còn tôi bé tí như cái kẹo, ấy vậy mà khi bác bắt ngồi lên bụng, vẫn cứ lo lo mình ngồi bể bụng bác. Điều thứ hai là nhà bác có các anh chị rất vui vẻ và chiều em, sẵn sàng cho em mượn sách truyện để đọc. Cho nên khi về quê, chỉ khoảng 5 phút là tôi nhót lên nhà bác và nhà bác Năm tìm truyện đọc ngốn ngấu hoặc vui đùa với các anh chị, lang thang đi hái chim chim, dú dẻ khắp xóm. Sau này lại càng thích khi bác lập đoàn tuồng đồng ấu, tập ngay tại nhà lẫm. Tôi lâu lâu mới về, chỉ đứng nhìn các anh chị và những đứa nhỏ hát i uông, đóng bộ mà thích mê và nhập tâm. Về quê trúng dịp diễn hát bội là nhót đi xem diễn viên vẽ mặt, đeo râu, nghe tiếng trống hát bội mà chân cứ bồn chồn...
Khi lớn hơn, có đôi chút hiểu biết, tôi mới được nghe kể về bác và được biết bác là người giỏi tiếng Pháp, từng làm giám học Bồ Đề Nguyên Thiều. Đi lên chùa Thập Tháp, An Nhơn, tôi rất hãnh diễn khi thấy đề tên ghi công đức đóng góp của Giáo sư Trần Bùi Thao. Khi bắt đầu có ý thức tìm hiểu về dòng tộc, tôi cảm thấy hãnh diện khi dòng tộc tôi có ông Nghè - tú tài Trần Trọng Giải và ông Nội tôi - cử nhân Trần Đình Tân là hai anh em ruột "huynh đệ đồng khoa", là những nhân vật có tiếng tăm trong Nho lâm Bình Định. Tôi mới hiểu tình cảm thân thiết và sự kính trọng mà Cha tôi luôn dành cho vị huynh trưởng có truyền thống sâu xa từ thế hệ của Tổ phụ. Đến thế hệ chúng tôi, các anh chị con bác cũng rất chăm chút cho con chú. Tôi học khá Toán hơn và biết làm thơ luật bài bản là do được các anh con bác như anh Ân, anh Khương kèm cặp, mặc dù các anh đều là dân chuyên Tự nhiên. Bác tôi có cách giáo dục con cái ý thức gia đình bền chặt, khi hàng năm dù ở đâu con cái cũng quây quần về quê trong mấy ngày Tết. Cả nhà bác luôn nhộn nhịp những trò vui tam cúc, tài bàn rộn tiếng cười, không hề có chuyện cay cú sát phạt. Từ nếp nhà luôn bền chặt, các anh chị con bác đều trưởng thành, học rất giỏi. Một điều may mắn, dù có đôi chút khó khăn về lý lịch nhưng sau này các anh đều được đi học lên cao, có anh đang làm tiến sĩ, có anh đậu thạc sĩ, tất cả các anh chị đều nối tiếp xứng đáng truyền thống con cháu ông Nghè.
Bác tôi làm Chánh chủ tự Trần tộc đại tôn từ đường trong nhiều năm, mỗi khi Tế hiệp, các chi phái Mỹ Á, Phú Hiệp ra dự với Mạnh phái Cảnh Vân đều kính trọng bậc tôn trưởng luôn quan tâm lo lắng cho sự phát triển dòng tộc, ân cần động viên con cháu nối tiếp xứng đáng truyền thống cha ông. Mấy năm gần đây, khi sức khoẻ không cho phép, bác về nghỉ ở Quy Nhơn, để người em là bác Thừa Nghê cáng đáng nhưng bác vẫn đau đáu nỗi niềm với ông bà tổ tiên.
Tết vừa rồi, khi chở cha tôi đi thăm bác, tôi không ngờ đó cũng là lần cuối cùng được trò chuyện cùng bác. Nhìn cảnh hai anh em đều trên 80 tuổi, người nào cũng bị bệnh tật hành hạ, hàn huyên động viên nhau mà cảm động vô ngần.Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy hai ông cụ cùng khóc. Nước mắt người già thật lạ, và cũng như một dự cảm về lần gặp được nhau ấy cũng là tử biệt sinh ly...

Nghe tin bác mất, biết là khó cưỡng luật trời khi tuổi bác đã sang 87. Nhưng vẫn cảm thấy lòng dâng lên cảm giác thật lạ. Buổi sáng hối hả báo tin cho bà con ở xa nhờ vào Facebook và Yahoo, buổi trưa dạy xong tôi mới ghé vào nhìn mặt bác lần cuối. Nghe các anh chị kể, bác ra đi thật nhẹ nhàng và thanh thản. Buổi tối hôm trước, bác còn đọc sách cả đêm không ngủ, mời bác gái ngồi cạnh giường nói chuyện cho vui, sáng ra 4 giờ đòi đi tắm. rồi  chỉ nửa tiếng sau mệt trong người, nằm xuống là đi luôn. Nhìn bác nằm thật bình an, như giũ bỏ những phiền muộn nhân sinh để nhẹ nhàng vào cõi bất tử...
Sáng mai, bác tôi sẽ được đưa về Cảnh Vân, nằm trong khuôn viên chùa Hương Sơn, trong một không gian thanh tĩnh. Bác sẽ lại gặp ông Nghè, ông Nội tôi và các anh em người thân mình ở đó. Đó là nơi hội tụ những tinh hoa dòng họ, để con cháu luôn kính ngưỡng. Xin nguyện cầu cho hương linh bác tịnh độ siêu sinh!
Nhớ về bác, con lại ước sao trở lại thời thơ ấu, để lại được bác nheo mắt cười cười, vẫy thằng bé nhong nhong trên bụng bác...Bác thương thằng cháu nên khi nó lấy vợ cũng không quản ngại tuổi cao, đường xa, lặn lội đi hỏi vợ, cưới vợ cho cháu mãi ở Ninh Hoà, đi về 400km mấy lượt. Nên nay khi cả nhà đến viếng bác, con đã dắt cả hai thằng con đến để được lạy Ông...
Vĩnh biệt bác, giáo sư Trần Bùi Thao, người bác tôi luôn kính ngưỡng!

Thứ Tư, tháng 2 24, 2010

Gia đình năm Canh Dần

Hình ảnh chụp kỉ niệm năm Canh Dần 2010! Thấy mình hơi già! Hic!
 
Cả nhà

 
Hình đứng

 
Hai con Uy - Lương

Thứ Sáu, tháng 1 22, 2010

Nỗi niềm văn chương!

Có những khi sự thật khiến ta choáng váng vì không ngờ lại xảy ra ở chỗ ta ít ngờ nhất!
Tôi đã gặp phải trường hợp như vậy sau khỏang thời gian hơn 15 năm đi dạy. Lần đầu tiên.
Biết rằng học trò nhỏ dại, nhưng cảm thấy những lời học trò dành cho mình vẫn tạo nên một tổn thương tinh thần ghê gớm. Dù chuyện chẳng đáng gì, nhưng cho thấy có những học sinh tôn cái tôi của mình lên quá cao để phá vỡ những nguyên tắc thiêng liêng, những mối quan hệ chuẩn mực xã hội lâu nay...
Hay có một chuẩn mực mới cho phép học trò coi thầy cô bằng vai phải lứa để nói lên những lời thiếu suy nghĩ. Không biết rồi một lúc nào, khi lớn lên thì trò có dịp nào nhớ lại những lời đã viết cho thầy hay không! Trò rất thông minh, biết dùng THƯ NẶC DANH, để giấu mặt. Nhưng dùng trí thông minh để cho phép làm tổn thương thầy thì quả thật trò đã làm thầy tổn thương thật sự rồi đó!
Dẫu sao, cũng phải nhủ lòng: CẦN BIẾT THA THỨ!
Dường như trò quên mất thầy là người DẠY VĂN, còn trò đang HỌC VĂN.
Nhớ, không phải dạy và học MÔN VĂN mà VĂN phải thể hiện trong cuộc sống, trong giao tiếp ứng xử, trong suy nghĩ và hành động.
Mong một ngày trò hiểu rõ chữ VĂN!

Thứ Tư, tháng 1 06, 2010

Suy ngẫm về nghị luận xã hội

Bảng phân công dạy đội dự tuyển quốc gia về nghị luận xã hội, các vấn đề về lý tưởng, bản lĩnh, trách nhiệm... toàn là những vấn đề to tát! Trình bày theo khuôn mẫu thì quá đơn giản, còn phá cách tự do quá thì lại e sai...phương pháp.
Nghị luận xã hội xét cho cùng là luyện cho học sinh kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp xã hội, nhận thức và tình cảm...và không có khuôn mẫu nào cả. Xét cho cùng, chuẩn mực đời sống cần phải hướng tới chính là làm thế nào nhận ra được cái CHÂN - THIỆN - MĨ của cuộc đời này. Ở tuổi học sinh, chính là quá trình định hướng nhận thức, hành vi, đôi khi giống như việc chăm chút một cây con: anh để nó mọc thẳng tự nhiên hay cần phải uốn cong theo những hình thù cầu kỳ, các thế vặn vẹo được đặt các tên mĩ miều: thế thác đổ, thế rồng bay... nào đó!
Đi tìm bản chất cuộc đời, cần phải nhìn toàn diện cả bề mặt, cả bên trong, cả nước sơn và gỗ. Rồi lại phải xem xét các mối quan hệ phức tạp chồng chéo, để bày tỏ tháiđộ cách đánh giá đúng sai thật giả tốt xấu. Rồi lại phải đi tìm những tấm gương, những dẫn chứng minh hoạ cho lý lẽ. Nhưng liệu có quá sức không khi biến các em thành những kẻ lập ngôn quá sớm. Lập ngôn chưa thông thì phải làm một bộ máy ghi âm và phát lại những gì bậc cha chú vạch ra? Và liệu rằng có tránh khỏi tình trạng cả vú lấp miệng em, áp đặt khiên cưỡng những tình cảm, những suy nghĩ mà các em chưa hề ý thức một cách sâu sắc về nó?
Nghị luận xã hội để giúp các em sống sâu sắc với đời hơn, nhưng liệu thầy cô đã thật sự là người sâu sắc, những điều thầy cô nói ra phải chăng cũng xuất phát từ một chuẩn mực và nhất là niềm tin chân thành để khẳng định chân lý!
Đơn giản là một vấn đề lý tưởng, hoài bão. Ai mà chẳng có một lý tưởng hoài bão, nhưng đích đến của mỗi người thì không hoàn toàn giống nhau. Có người đặt lý tưởng ở cuộc sống vật chất, tiện nghi; có người lại đặt lý tưởng vào những ý niệm siêu hình to tát, một giá trị tinh thần như tôn giáo, đạo đức; có người lại muốn dung hoà cả hai phương diện ấy? Xác định lý tưởng như thế nào cho đúng đắn, phù hợp, trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay quả là điều không đơn giản. Bảo rằng chạy theo đồng tiền là sai, nhưng khát vọng về một cuộc sống lý tưởng là sự giàu sang thì chẳng phải là mục tiêu ta đang phấn đấu đó hay sao (dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh), vậy lối sống có tính thực dụng cần phê phán ở điểm nào? Hay một định hướng lý tưởng khác, coi trọng tình cảm, đề cao giá trị tinh thần, những giá trị tốt đẹp trong một xã hội đầy rẫy những cái xấu cái ác thì liệu lý tưởng ấy có trở thành viển vông. Hai phương diện tồn tại xã hội và ý thức xã hội có mối quan hệ như thế nào đến việc xác định lý tưởng sống của con người? Vận dụng triết học vào để lý giải các vấn đề của nghị luận xã hội thì có thể gỡ rối cho các câu hỏi trên, nhưng liệu có quá sức với trình độ nhận thức của học sinh phổ thông?
Xem ra các vấn đề như thế tưởng đơn giản mà lại vô cùng nan giải, vì nếu không khéo lại biến học sinh thành những con vẹt, thành máy ghi âm, đài phát vô hồn. Điều cần nhất là tính thuyết phục của văn nghị luận xã hội, trước hết phải xuất phát từ niềm tin đầy đủ của chính người viết. Người dạy và người học cũng phải có những tiêu chí thống nhất, đồng thuận cao. Có như vậy mới thực sự không biến bài nghị luận xã hội thành một bài rao giảng đạo đức khô khan.