Thứ Tư, tháng 1 06, 2010

Suy ngẫm về nghị luận xã hội

Bảng phân công dạy đội dự tuyển quốc gia về nghị luận xã hội, các vấn đề về lý tưởng, bản lĩnh, trách nhiệm... toàn là những vấn đề to tát! Trình bày theo khuôn mẫu thì quá đơn giản, còn phá cách tự do quá thì lại e sai...phương pháp.
Nghị luận xã hội xét cho cùng là luyện cho học sinh kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp xã hội, nhận thức và tình cảm...và không có khuôn mẫu nào cả. Xét cho cùng, chuẩn mực đời sống cần phải hướng tới chính là làm thế nào nhận ra được cái CHÂN - THIỆN - MĨ của cuộc đời này. Ở tuổi học sinh, chính là quá trình định hướng nhận thức, hành vi, đôi khi giống như việc chăm chút một cây con: anh để nó mọc thẳng tự nhiên hay cần phải uốn cong theo những hình thù cầu kỳ, các thế vặn vẹo được đặt các tên mĩ miều: thế thác đổ, thế rồng bay... nào đó!
Đi tìm bản chất cuộc đời, cần phải nhìn toàn diện cả bề mặt, cả bên trong, cả nước sơn và gỗ. Rồi lại phải xem xét các mối quan hệ phức tạp chồng chéo, để bày tỏ tháiđộ cách đánh giá đúng sai thật giả tốt xấu. Rồi lại phải đi tìm những tấm gương, những dẫn chứng minh hoạ cho lý lẽ. Nhưng liệu có quá sức không khi biến các em thành những kẻ lập ngôn quá sớm. Lập ngôn chưa thông thì phải làm một bộ máy ghi âm và phát lại những gì bậc cha chú vạch ra? Và liệu rằng có tránh khỏi tình trạng cả vú lấp miệng em, áp đặt khiên cưỡng những tình cảm, những suy nghĩ mà các em chưa hề ý thức một cách sâu sắc về nó?
Nghị luận xã hội để giúp các em sống sâu sắc với đời hơn, nhưng liệu thầy cô đã thật sự là người sâu sắc, những điều thầy cô nói ra phải chăng cũng xuất phát từ một chuẩn mực và nhất là niềm tin chân thành để khẳng định chân lý!
Đơn giản là một vấn đề lý tưởng, hoài bão. Ai mà chẳng có một lý tưởng hoài bão, nhưng đích đến của mỗi người thì không hoàn toàn giống nhau. Có người đặt lý tưởng ở cuộc sống vật chất, tiện nghi; có người lại đặt lý tưởng vào những ý niệm siêu hình to tát, một giá trị tinh thần như tôn giáo, đạo đức; có người lại muốn dung hoà cả hai phương diện ấy? Xác định lý tưởng như thế nào cho đúng đắn, phù hợp, trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay quả là điều không đơn giản. Bảo rằng chạy theo đồng tiền là sai, nhưng khát vọng về một cuộc sống lý tưởng là sự giàu sang thì chẳng phải là mục tiêu ta đang phấn đấu đó hay sao (dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh), vậy lối sống có tính thực dụng cần phê phán ở điểm nào? Hay một định hướng lý tưởng khác, coi trọng tình cảm, đề cao giá trị tinh thần, những giá trị tốt đẹp trong một xã hội đầy rẫy những cái xấu cái ác thì liệu lý tưởng ấy có trở thành viển vông. Hai phương diện tồn tại xã hội và ý thức xã hội có mối quan hệ như thế nào đến việc xác định lý tưởng sống của con người? Vận dụng triết học vào để lý giải các vấn đề của nghị luận xã hội thì có thể gỡ rối cho các câu hỏi trên, nhưng liệu có quá sức với trình độ nhận thức của học sinh phổ thông?
Xem ra các vấn đề như thế tưởng đơn giản mà lại vô cùng nan giải, vì nếu không khéo lại biến học sinh thành những con vẹt, thành máy ghi âm, đài phát vô hồn. Điều cần nhất là tính thuyết phục của văn nghị luận xã hội, trước hết phải xuất phát từ niềm tin đầy đủ của chính người viết. Người dạy và người học cũng phải có những tiêu chí thống nhất, đồng thuận cao. Có như vậy mới thực sự không biến bài nghị luận xã hội thành một bài rao giảng đạo đức khô khan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét