Thứ Hai, tháng 12 21, 2009

Nỗi lòng nhà giáo

Chuyện về nhà giáo lâu nay rộ lên toàn những thông tin buồn, rồi dư luận xã hội lên án thầy giáo này, cô giáo nọ. Nhưng có ở trong cuộc thì may ra mới thấu làm thầy cô giáo trong thời buổi này cực lắm thay! Mà các nhà giáo đích thực thường vốn hiền lành, cũng chỉ biết than thở với nhau và tự an ủi: thôi đành, đã mang lấy nghiệp vào thân… Chuyện buồn nhiều tập, biết đâu kể đó, cho mọi người hiểu thầy cô
1. Chuyện thứ nhất:
            Một bà mẹ có con đang học lớp 8  trường N. tình cờ đã kể cho tôi nghe câu chuyện bà được chứng kiến nhãn tiền: bà nghe con than cô giáo nghiêm lắm, nên tìm đến cô để hỏi han chuyện học hành của con. Đến trường, vừa gặp cô, chưa kịp nói gì thì thấy một ông tóc tai dài thượt, mặt mày đỏ gay, cầm theo một cây mã tấu sáng loáng, hùng hổ xông vào trường, réo tên cô giáo của con bà ra chửi: Con nào không cho con tao vào lớp? Ngon ra đây!... Ồn ào một hồi, cô giáo tái mét mặt, lo tránh vào phòng hội đồng. Bảo vệ không dám ra mặt, hiệu trưởng phải gọi công an tới nhờ can thiệp. Chuyện sau được phân giải rõ ràng, mới hay:  ông con quí tử của vị nọ khai giảng 2 tuần không đến lớp, tuần thứ ba mới lững thững bước vào. Tất nhiên là cô giáo nổi giận, yêu cầu gặp phụ huynh, thằng con biến mất 3 ngày, rồi sau đó ông bố hùng hổ tìm cô giáo định…xin tí huyết! Cô giáo mà hiền lành nhát sợ thì chả hiểu ông con trời kia sẽ quậy đến đâu?
2. Chuyện thứ hai:
            Bà chị họ đang là giáo viên trường THCS Ng. lên nhà, gặp trúng chú em đồng nghiệp bèn than thở: không biết chú dạy cấp 3 thế nào, còn cấp 2 bây giờ loạn lắm!
Chị dạy ở trường bán công, học trò toàn là thành phần phức tạp. Trường vừa qua đợt thanh tra, bà chị bị than phiền: sao sổ điểm nhiều con zê-rô thế này, chứng tỏ trình độ năng lực cô kém, không giáo dục được học sinh! Thanh tra gì mà toàn chú ý hình thức, phải chia mấy cột, mấy hàng, thậm chí còn bắt ne bắt nẹt dặn dò phải nói đúng bài bản, rập khuôn! Bà chị ấm ức: hừm, mấy ổng giỏi thì đứng lớp mà giảng cho học sinh tui! Học trò bỏ học, tui phải đến từng nhà năn nỉ đi học lại, nó học yếu, phản ánh với phụ huynh thì họ tỉnh bơ: tại tui muốn con tui nghỉ, cô cho nó đi học thì cô ráng chịu chớ! Rồi lớp chị năm rồi cho học trò thi lại, lưu ban nhiều cũng bị phê bình: dạy sao mà lưu ban nhiều! Hiệu trưởng muốn cho lên lớp, tui cho lên cái rẹt, nhưng ai chịu chất lượng đây? Cho ở lại cũng la, cho lên lớp cũng la, khổ thân tui phải dạy cái trường học trò ham chơi hơn ham học. Nó có thiết tha gì! Có đứa mới lớp 6, bỏ học gia đình không quan tâm, bán cái cho nhà trường, thằng nhỏ đi tuốt theo lũ bụi đời, trấn cướp bị bắt, công an báo về, gia đình mới tưng hửng: ủa, sáng nào nó cũng cầm vở đi mà!
3. Chuyện thứ ba:
            Hàng năm, các trường THPT tiếp nhận một khối lượng lớn học sinh THCS vào, tui cũng như nhiều giáo viên trẻ phấn khởi: hồ sơ học bạ toàn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến! Điểm số các môn “cao ngất Trường Sơn”. Nhưng than ôi, chỉ một tháng sau, qua các bài kiểm tra mới thấy bàng hoàng khi điểm số học trò hành quân 1,2,3… Có đến quá nửa lớp! Có nhiều trò viết sai chính tả đến kinh hoàng! Còn chữ viết thì…than ôi khỏi nói. Trước kia dạy trường bình thường, ngỡ đến khi sang trường chuyên đỡ hơn! Nhưng học trò chuyên phần nhiều chỉ giỏi môn chuyên, kiến thức có khá hơn nhưng chính tả, chữ viết thì giống y như học trò nơi khác! Nên năm nào cũng mất công củng cố kiến thức nền, bổ sung thêm kiến thức văn hoá – xã hội - lịch sử mới tạm tạm. Trong lòng cứ băn khoăn: bây giờ sách vở nhiều, phương tiện lắm, chính sách giáo dục nghiêm, chương trình cải cách liên tục, tại sao và tại ai mà giáo dục cứ bị than là ngày càng xuống cấp?
Hà Nội, 5.12.2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét