Đến nay, tính ra thời gian đi dạy của tôi đã hơn 15 năm. So với bạn bè cùng trang lứa thì chậm hơn những 4 năm, còn tính theo lương phạn thì chậm hơn những 9 năm. Nghĩa là tuổi đời thì lớn, nhưng so ra tuổi nghề thì còn ít hơn bạn bè! Nhưng hơn 15 năm cũng đủ có những vui buồn của nghề giáo. Có thể ai đó sẽ hỏi tôi có khi nào cảm thấy nổi nóng, có khi nào cảm thấy thất vọng với nghề , có khi nào chán nản với học sinh hay không? Bây giờ nhìn lại chặng đường đã qua, cũng đã có nhiều khuôn mặt, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, cũng đủ để ghi lại những cảm nghĩ về nghề một cách bình thản hơn!
* *
*
Trước hết việc tôi được đi dạy là nhờ tấm lòng của người thầy đã dìu dắt tôi từ phổ thông: nhà giáo ưu tú Trương Tham. Khi nghe tin học trò cưng thất nghiệp đã dự định bỏ nghề, nhân gặp học trò cũ đến thăm, thầy đã nhắn tôi đến gặp. Khi ấy, tôi ngỡ mình đã xếp tấm bằng loại giỏi của mình để yên tâm cùng công việc kinh doanh gas với anh ruột thì đã được đón nhận một cơ hội đứng trên bục giảng, và tôi đã cố không phụ lòng thầy. Tôi cũng phải cảm ơn sâu sắc cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Mùi, khi nhận hồ sơ của học trò cũ trở về trường giảng dạy đã không chút phân vân dang rộng vòng tay cưu mang và cô cũng rất ân tình, nghiêm khắc như một người mẹ. Cô dám chấp nhận cá tính và yêu cầu cao trong công việc, không buộc tôi bị ràng buộc vào những áp lực thi đua, điểm số. Chính sự tận tình ấy của các bậc thầy cũng như sự ân tình của các đồng nghiệp, đàn anh đi trước đã giúp tôi vững tin ở chính mình. Sau này, có dịp gặp gỡ một số bạn bè ở một vài địa phương khác, khi nghe kể tôi về trường dạy mà không tốn kém gì, không phải chạy chọt xin xỏ, nhiều bạn tôi tròn mắt không tin! Vì theo lời của họ, để vào một trường công lập, một trường có "lộc" thì chí ít phải có giá quy định, có nơi có chỗ thậm chí bằng trung bình không có cửa, bằng khá phải nộp 50 triệu, bằng giỏi phải nộp 80 triệu (!). Đến lượt tôi ngỡ ngàng vì nghe lần đầu tiên, chuyện ở ngay mảnh đất học, mảnh đất văn hiến! Hỡi ôi, ngày ấy nếu có chuyện như thế thì chắc chắn tôi sẽ không bao giờ cảm nhận ý nghĩa thiêng liêng của nghề giáo mà giờ đây tôi đã coi như nghiệp của mình. Hoá ra đâu đây người ta dùng tiền để mua bán đổi chác ngay trong ngành giáo dục, vậy thì làm sao mà có ai yên tâm "trồng người"? Lúc đó, học sinh tất yếu sẽ phải bị đối xử theo quan hệ tiền bạc. Mà trong nghề này, dính dáng đến tiền bạc thì khó mà toàn tâm toàn ý với nghề!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét