Thứ Sáu, tháng 12 04, 2009

Hành trình đến cùng Hàn Mặc Tử

Có lẽ duyên hội ngộ thật sự của tôi với Hàn Mặc Tử bắt đầu từ những câu thơ trong ngần của Hàn đã được tôi chép lại lõm bõm theo lời giảng ngẫu hứng "vượt rào" của thầy Trương Tham thời phổ thông:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Tôi ngỡ ngàng vì hoá ra trong dòng văn học "bạc nhược và suy đồi" như người ta bảo hồi ấy lại có những câu thơ hay đầy sức mê hoặc như thơ của Hàn Mặc tử. Tâm hồn trong trẻo của một học sinh yêu văn ngày ấy đã khiến tôi rất tự nhiên đi tìm những nguồn tư liệu để biết thêm về một nhà thơ đã gắn tên tuổi với Quy Nhơn của tôi. Mặc dù đã đọc được về Hàn trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh và Hoài Chân từ rất sớm nhưng những nhận xét từ cuốn sách ấy chưa làm thoả mãn sự háo hức của một cậu học sinh tò mò, lại càng khiến tôi muốn khám phá kỹ hơn vào "vườn thơ rộng rinh", "càng đi xa càng ớn lạnh" của Hàn Mặc Tử.
Tôi còn nhớ ngày ấy, khi cuốn "Thơ Hàn Mặc tử" (Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988) vừa ra đời, tôi đã lật ngay những trang đầu tiên và lập tức bị chấn động rất mạnh (và sau đó nhiều lần còn bị ám ảnh) bởi lời tựa "Hàn Mặc Tử, anh là ai?" của Chế Lan Viên: "Bây giờ Hàn Mặc Tử nằm trên một điểm cao Gành Ráng đối diện với bể Đông, bể chói loà như thơ Anh và giông bão tựa đời Anh...". Có lẽ bắt đầu từ những dòng cảm xúc tuôn trào của Chế Lan Viên về Hàn Mặc Tử, tôi đã cảm nhận được sự hiện hữu ủa thơ Hàn trong từng con sóng biển Quy Nhơn, nơi tôi gắn bó từ quãng đời thơ ấu đến lúc trưởng thành dường như lung linh một chất thơ rất riêng kết tinh từ thơ Hàn:
"Ngả nghịêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang"
và: "Mây hờ không phủ đồi cao nữa
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi..."
Tôi bắt đầu hình dung ra thế giới thơ của Hàn Mặc Tử - một thế giới sáng láng thơm tho với sự hiện diện của hai nguồn sáng tinh khiết: trăng và nắng. Tôi lại cảm thấy nguồn sinh lực dồi dào phát tiết từ tiếng thơ Hàn luôn rạo rực cảm giác Xuân.
Ngày ấy, bập bõm bình văn, tôi đã say sưa cùng cái trong ngần nắng sớm của "Mùa Xuân Chín", viết xong rồi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác ngất ngây trong thi ảnh của Hàn:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng Trí bâng khuâng sực nhớ làng
-Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Cảm giác ấy bao lần trở lại với tôi, không hề phai nhạt dù sau này tâm hồn chai sạn dần cùng năm tháng.
Yêu thơ Hàn, tôi cũng đã không bviết bao nhiêu lần tìm đến Quy Hoà, cố hình dung những cảnh sắc lưu lại giây phút cuối cuộc đời tài hoa ấy. Tôi cũng cố chiêm nghiệm cảm giác của Hàn khi bao lần ngồi dưới bóng trăng, nghe sóng biển mà lại vọng lên tiếng thơ Hàn như lay động trên những rặng phi lao: "Trăng bay lả tả ngả trên cành vàng". Rồi thì: "Người trăng ăn vận toàn trăng cả - Gò má riêng thôi lại đỏ hườm". Cái ánh trăng vào thơ Hàn có lúc vang động những tiếng rú, tiếng gào, có lúc lại vô cùng ma quái ấy thì vẫn là trăng của tâm hồn thánh thiện ấy thôi, vẫn là trăng của thuở : "Mới lớn lên trăng đã thẹn thò - Thơm như tình ái của ni cô"...
Đến lúc biết yêu, tôi lại càng ngấm thơ của Hàn hơn nữa. Dần dần tôi đã thẩm thấu nỗi đau của một người khát yêu, khát sống mà bị tách ra khỏi đời sống cộng đồng thật khủng khiếp như thế nào với Hàn. Tôi thích đọc những câu thơ mà nỗi đau lặn vào trong cào xé, nhưng lại biểu lộ ra bằng giọng điệu như thủ thỉ mà khiến lòng người đọc như ứa máu:
Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa
Trời ở trong đây chẳng có mùa
Không có niềm trăng và ý nhạc
Có nàng cung nữ nhớ thương vua
"Hỏi nhẹ nhàng thôi nhưng mà đau đớn lắm!", đó là nguyên vẹn những suy nghĩ của tôi khi được đọc những dòng thơ ấy. Và trước nỗi đau như vậy, làm sao có thể bình thêm gì nữa?
Sau này nhiều lần tham dự những buổi tưởng niệm nhà thơ, do anh em văn nghệ tự tổ chức, tôi lại được ôn lại những vần thơ của Hàn mà chiêm nghiệm thêm bao ý tứ mới mẻ, càng thêm yêu con người bị đày đọa trong nỗi thống khổ vô biên mà vẫn khát yêu khát sống ngay cả trong những vần thơ đớn đau như rứt từng mảng sự sống:
Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng
Mỗi khi đọc thơ Hàn, tôi thường để cho lòng mình lắng hết mọi bon chen tục lụy, để cho thơ Hàn lắng cõi tâm tư thật sự trong ngần. Hàn Mặc Tử lúc ấy mới thật sự là của tôi, không phải của các nhà phê bình nhiều chữ nghĩa lắm học thuyết đem Hàn ra mổ xẻ.
Đêm nay, Hàn lại đến bên tôi, trong nỗi nhớ Quy Nhơn, trong tình quê đau đáu:
TÌNH QUÊ
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Giòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê...
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề...
HÀ NỘI, 2h15p ngày 24 tháng 3 năm 2007
Trần Hà Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét