Thứ Năm, tháng 12 31, 2009

Bỗng dưng mà buồn...

Ngày cuối cùng năm cũ, bỗng dưng mà buồn!
Vợ và con trai nhỏ đã về ngoại chơi, thằng lớn thì đi chơi với bạn. Lâu lắm rồi mới lại có cảm giác một mình!
Ngẫm...
Đáng buồn là khi sang năm mới, cây mai tứ quí mọi khi vẫn sum suê chẳng hiểu sao lại ngả lá vàng úa một loạt! Điềm không hay cho lớp Chuyên Văn chăng? Vì mấy năm nay dường như chưa bao giờ cây mai này báo sai kết quả học sinh giỏi, thành tích học tập của học trò? Mỗi khi có chuyện vui, hoa lại nở, bây giờ cây héo, vì đâu?
Bỗng dưng mà buồn vì tình cảm học trò ở lớp ghép Văn - Anh dành cho thầy giáo chẳng có chút gì giống với bất cứ lớp nào mình đã từng chủ nhiệm. Ngay cả những lớp mình chỉ chủ nhiệm hơn nửa năm cũng không có tình trạng đóng băng quan hệ thầy trò như thế! Các em còn nhỏ quá chăng? Hay cách nghĩ, cách sống của trò bây giờ cũng khác? Và mình cũng đã già! Sự khác biệt thế hệ, người già hơn cũng khó chịu hơn, cũng ít có thời gian chăm chút đều cho đám nhỏ hơn...
Đành vậy!
Ngày cuối năm, bỗng dưng mà buồn! ? "Ngồi một mình mãi thế này có lẽ buồn đến khóc được mất...", hơ hơ, đúng là tâm trạng Chí Phèo rồi! Thế thì đi chơi thôi! Thế giới online này cũng mỏi mệt lắm!

Thứ Hai, tháng 12 21, 2009

Nỗi lòng nhà giáo

Chuyện về nhà giáo lâu nay rộ lên toàn những thông tin buồn, rồi dư luận xã hội lên án thầy giáo này, cô giáo nọ. Nhưng có ở trong cuộc thì may ra mới thấu làm thầy cô giáo trong thời buổi này cực lắm thay! Mà các nhà giáo đích thực thường vốn hiền lành, cũng chỉ biết than thở với nhau và tự an ủi: thôi đành, đã mang lấy nghiệp vào thân… Chuyện buồn nhiều tập, biết đâu kể đó, cho mọi người hiểu thầy cô
1. Chuyện thứ nhất:
            Một bà mẹ có con đang học lớp 8  trường N. tình cờ đã kể cho tôi nghe câu chuyện bà được chứng kiến nhãn tiền: bà nghe con than cô giáo nghiêm lắm, nên tìm đến cô để hỏi han chuyện học hành của con. Đến trường, vừa gặp cô, chưa kịp nói gì thì thấy một ông tóc tai dài thượt, mặt mày đỏ gay, cầm theo một cây mã tấu sáng loáng, hùng hổ xông vào trường, réo tên cô giáo của con bà ra chửi: Con nào không cho con tao vào lớp? Ngon ra đây!... Ồn ào một hồi, cô giáo tái mét mặt, lo tránh vào phòng hội đồng. Bảo vệ không dám ra mặt, hiệu trưởng phải gọi công an tới nhờ can thiệp. Chuyện sau được phân giải rõ ràng, mới hay:  ông con quí tử của vị nọ khai giảng 2 tuần không đến lớp, tuần thứ ba mới lững thững bước vào. Tất nhiên là cô giáo nổi giận, yêu cầu gặp phụ huynh, thằng con biến mất 3 ngày, rồi sau đó ông bố hùng hổ tìm cô giáo định…xin tí huyết! Cô giáo mà hiền lành nhát sợ thì chả hiểu ông con trời kia sẽ quậy đến đâu?
2. Chuyện thứ hai:
            Bà chị họ đang là giáo viên trường THCS Ng. lên nhà, gặp trúng chú em đồng nghiệp bèn than thở: không biết chú dạy cấp 3 thế nào, còn cấp 2 bây giờ loạn lắm!
Chị dạy ở trường bán công, học trò toàn là thành phần phức tạp. Trường vừa qua đợt thanh tra, bà chị bị than phiền: sao sổ điểm nhiều con zê-rô thế này, chứng tỏ trình độ năng lực cô kém, không giáo dục được học sinh! Thanh tra gì mà toàn chú ý hình thức, phải chia mấy cột, mấy hàng, thậm chí còn bắt ne bắt nẹt dặn dò phải nói đúng bài bản, rập khuôn! Bà chị ấm ức: hừm, mấy ổng giỏi thì đứng lớp mà giảng cho học sinh tui! Học trò bỏ học, tui phải đến từng nhà năn nỉ đi học lại, nó học yếu, phản ánh với phụ huynh thì họ tỉnh bơ: tại tui muốn con tui nghỉ, cô cho nó đi học thì cô ráng chịu chớ! Rồi lớp chị năm rồi cho học trò thi lại, lưu ban nhiều cũng bị phê bình: dạy sao mà lưu ban nhiều! Hiệu trưởng muốn cho lên lớp, tui cho lên cái rẹt, nhưng ai chịu chất lượng đây? Cho ở lại cũng la, cho lên lớp cũng la, khổ thân tui phải dạy cái trường học trò ham chơi hơn ham học. Nó có thiết tha gì! Có đứa mới lớp 6, bỏ học gia đình không quan tâm, bán cái cho nhà trường, thằng nhỏ đi tuốt theo lũ bụi đời, trấn cướp bị bắt, công an báo về, gia đình mới tưng hửng: ủa, sáng nào nó cũng cầm vở đi mà!
3. Chuyện thứ ba:
            Hàng năm, các trường THPT tiếp nhận một khối lượng lớn học sinh THCS vào, tui cũng như nhiều giáo viên trẻ phấn khởi: hồ sơ học bạ toàn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến! Điểm số các môn “cao ngất Trường Sơn”. Nhưng than ôi, chỉ một tháng sau, qua các bài kiểm tra mới thấy bàng hoàng khi điểm số học trò hành quân 1,2,3… Có đến quá nửa lớp! Có nhiều trò viết sai chính tả đến kinh hoàng! Còn chữ viết thì…than ôi khỏi nói. Trước kia dạy trường bình thường, ngỡ đến khi sang trường chuyên đỡ hơn! Nhưng học trò chuyên phần nhiều chỉ giỏi môn chuyên, kiến thức có khá hơn nhưng chính tả, chữ viết thì giống y như học trò nơi khác! Nên năm nào cũng mất công củng cố kiến thức nền, bổ sung thêm kiến thức văn hoá – xã hội - lịch sử mới tạm tạm. Trong lòng cứ băn khoăn: bây giờ sách vở nhiều, phương tiện lắm, chính sách giáo dục nghiêm, chương trình cải cách liên tục, tại sao và tại ai mà giáo dục cứ bị than là ngày càng xuống cấp?
Hà Nội, 5.12.2007

Vui buồn nghề giáo...

Đến nay, tính ra thời gian đi dạy của tôi đã hơn 15 năm. So với bạn bè cùng trang lứa thì chậm hơn những 4 năm, còn tính theo lương phạn thì chậm hơn những 9 năm. Nghĩa là tuổi đời thì lớn, nhưng so ra tuổi nghề thì còn ít hơn bạn bè! Nhưng hơn 15 năm cũng đủ có những vui buồn của nghề giáo. Có thể ai đó sẽ hỏi tôi có khi nào cảm thấy nổi nóng, có khi nào cảm thấy thất vọng với nghề , có khi nào chán nản với học sinh hay không? Bây giờ nhìn lại chặng đường đã qua, cũng đã có nhiều khuôn mặt, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, cũng đủ để ghi lại những cảm nghĩ về nghề một cách bình thản hơn!
* *
*
Trước hết việc tôi được đi dạy là nhờ tấm lòng của người thầy đã dìu dắt tôi từ phổ thông: nhà giáo ưu tú Trương Tham. Khi nghe tin học trò cưng thất nghiệp đã dự định bỏ nghề, nhân gặp học trò cũ đến thăm, thầy đã nhắn tôi đến gặp. Khi ấy, tôi ngỡ mình đã xếp tấm bằng loại giỏi của mình để yên tâm cùng công việc kinh doanh gas với anh ruột thì đã được đón nhận một cơ hội đứng trên bục giảng, và tôi đã cố không phụ lòng thầy. Tôi cũng phải cảm ơn sâu sắc cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Mùi, khi nhận hồ sơ của học trò cũ trở về trường giảng dạy đã không chút phân vân dang rộng vòng tay cưu mang và cô cũng rất ân tình, nghiêm khắc như một người mẹ. Cô dám chấp nhận cá tính và yêu cầu cao trong công việc, không buộc tôi bị ràng buộc vào những áp lực thi đua, điểm số. Chính sự tận tình ấy của các bậc thầy cũng như sự ân tình của các đồng nghiệp, đàn anh đi trước đã giúp tôi vững tin ở chính mình. Sau này, có dịp gặp gỡ một số bạn bè ở một vài địa phương khác, khi nghe kể tôi về trường dạy mà không tốn kém gì, không phải chạy chọt xin xỏ, nhiều bạn tôi tròn mắt không tin! Vì theo lời của họ, để vào một trường công lập, một trường có "lộc" thì chí ít phải có giá quy định, có nơi có chỗ thậm chí bằng trung bình không có cửa, bằng khá phải nộp 50 triệu, bằng giỏi phải nộp 80 triệu (!). Đến lượt tôi ngỡ ngàng vì nghe lần đầu tiên, chuyện ở ngay mảnh đất học, mảnh đất văn hiến! Hỡi ôi, ngày ấy nếu có chuyện như thế thì chắc chắn tôi sẽ không bao giờ cảm nhận ý nghĩa thiêng liêng của nghề giáo mà giờ đây tôi đã coi như nghiệp của mình. Hoá ra đâu đây người ta dùng tiền để mua bán đổi chác ngay trong ngành giáo dục, vậy thì làm sao mà có ai yên tâm "trồng người"? Lúc đó, học sinh tất yếu sẽ phải bị đối xử theo quan hệ tiền bạc. Mà trong nghề này, dính dáng đến tiền bạc thì khó mà toàn tâm toàn ý với nghề!

Thứ Sáu, tháng 12 04, 2009

Tản mạn thôn Vỹ

Bây giờ, mỗi khi đọc thơ Hàn Mặc Tử, bài " Ở đây thôn Vỹ Dạ" (mà sách giáo khoa lấy theo tên gọi quen thuộc hơn với mọi người là "Đây thôn Vỹ Dạ"), tôi lại nhớ câu thơ của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm trước tiên: "Thôn Vỹ bây giờ thành phường Vỹ..." mà tôi đã đọc được trên báo Văn nghệ những năm 90, nhiều nhà thơ từng xôn xao tiếc nuối cho sự kiện này! Đằng sau câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm, tôi nhận ra một nỗi đau thấm thía!
May thay, khi còn là sinh viên, trước khi thôn Vỹ hoàn tất quá trình đô thị hoá với hàng loạt khách sạn, tôi đã được tắm đẫm trong không gian của một đêm trăng thôn Vỹ, đêm trăng đậm chất Hàn Mặc Tử. Xin được cảm ơn đêm cổ-tích ấy đã bắt đầu cho những rung động mới mẻ của hồn tôi, khi cảm nhận về Em, Người-Thơ của tôi. Thôn Vỹ ghi dấu cho một mối tình đâm hoa kết trái trong lòng tôi, để tôi biết có em trong đời:
Lòng cứ vọng một đêm trăng xứ Huế
Vỹ Dạ thôn, em bước nhẹ như sương...
(Thơ cũ)
Bởi tôi đã nhận thấy hồn thôn Vỹ trong đêm trăng huyền diệu ấy! Sau một cơn mưa, ánh trăng loang loáng mặt nứơc Hương Giang, loang loáng trên những tàu dừa, để tôi phát hiện ra ánh trăng-xanh đẹp đến nao lòng! Thôn Vỹ đi vào mối tình thơ của tôi, để sau này mỗi lần giảng bài cho học sinh là lại một lần được xúc động:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đuờng mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đâu bến sông Trăng đó
Có chở Trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
HÀN MẶC TỬ
Có lẽ từ trăng thôn Vỹ, trăng trong thơ Hàn mà tôi cứ ương bướng không chịu thừa nhận sửa lại cách gọi nhà thơ là Hàn Mạc Tử (chàng rèm lạnh) như các công trình nghiên cứu đề nghị(chẳng hạn Phạm Xuân Tuyển trong "Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử") mà cứ khư khư giữ lại vầng trăng khuyết để làm nên tên gọi Hàn Mặc Tử (chàng bút mực). Vì tôi nghĩ, thơ Hàn mà thiếu vầng trăng thì dường như mất mát đi cái thi vị nhiều lắm! Thôn Vỹ trong lòng tôi là thôn Trăng, sông Hương trong lòng tôi phải là sông Trăng! Và người thôn Vỹ trong thơ Hàn phải là người Trăng - "Người Trăng ăn vận toàn Trăng cả - Gò má riêng thôi lại đỏ hườm".
Ánh trăng trong bài thơ thôn Vỹ của Hàn làm cho toát lên sức sống diệu kỳ của đất cố đô, dù cho bạn thân của ông là Bích Khê cũng có câu thơ về thôn Vỹ thật hay (nhưng cũng thật buồn và thiêu thiếu một cái gì đó thật mơ hồ không cắt nghĩa được - trăng chăng?):
Vỹ Dạ thôn! Vỹ Dạ thôn!
Biếc che cần trúc không buồn mà say
(Vỹ Dạ thôn)
Cũng đâu phải ngẫu nhiên, khi tuyển chọn những bài thơ về Đất Thần Kinh, các nhà soạn sách đã đặt tên là Bài thơ thôn Vỹ - thôn Vỹ của Hàn Mặc Tử đã đi vào cõi bất tử!
Trong một ngày sương mù Hà Nội, bỗng nhiên nhớ về thôn Vỹ, nhớ ra lâu lắm rồi tôi chưa ghé lại! Mà hỡi ôi, "thôn Vỹ bây giờ thành phường Vỹ" - liệu tôi có còn tìm lại được chút gì thôn Vỹ của lòng tôi? Nhưng tôi sẽ còn mãi thôn Vỹ của thơ Hàn nói hộ:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hà Nội, 31 tháng Giêng năm 2007
Lãng tử Trần Nam

Hành trình đến cùng Hàn Mặc Tử

Có lẽ duyên hội ngộ thật sự của tôi với Hàn Mặc Tử bắt đầu từ những câu thơ trong ngần của Hàn đã được tôi chép lại lõm bõm theo lời giảng ngẫu hứng "vượt rào" của thầy Trương Tham thời phổ thông:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Tôi ngỡ ngàng vì hoá ra trong dòng văn học "bạc nhược và suy đồi" như người ta bảo hồi ấy lại có những câu thơ hay đầy sức mê hoặc như thơ của Hàn Mặc tử. Tâm hồn trong trẻo của một học sinh yêu văn ngày ấy đã khiến tôi rất tự nhiên đi tìm những nguồn tư liệu để biết thêm về một nhà thơ đã gắn tên tuổi với Quy Nhơn của tôi. Mặc dù đã đọc được về Hàn trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh và Hoài Chân từ rất sớm nhưng những nhận xét từ cuốn sách ấy chưa làm thoả mãn sự háo hức của một cậu học sinh tò mò, lại càng khiến tôi muốn khám phá kỹ hơn vào "vườn thơ rộng rinh", "càng đi xa càng ớn lạnh" của Hàn Mặc Tử.
Tôi còn nhớ ngày ấy, khi cuốn "Thơ Hàn Mặc tử" (Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988) vừa ra đời, tôi đã lật ngay những trang đầu tiên và lập tức bị chấn động rất mạnh (và sau đó nhiều lần còn bị ám ảnh) bởi lời tựa "Hàn Mặc Tử, anh là ai?" của Chế Lan Viên: "Bây giờ Hàn Mặc Tử nằm trên một điểm cao Gành Ráng đối diện với bể Đông, bể chói loà như thơ Anh và giông bão tựa đời Anh...". Có lẽ bắt đầu từ những dòng cảm xúc tuôn trào của Chế Lan Viên về Hàn Mặc Tử, tôi đã cảm nhận được sự hiện hữu ủa thơ Hàn trong từng con sóng biển Quy Nhơn, nơi tôi gắn bó từ quãng đời thơ ấu đến lúc trưởng thành dường như lung linh một chất thơ rất riêng kết tinh từ thơ Hàn:
"Ngả nghịêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang"
và: "Mây hờ không phủ đồi cao nữa
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi..."
Tôi bắt đầu hình dung ra thế giới thơ của Hàn Mặc Tử - một thế giới sáng láng thơm tho với sự hiện diện của hai nguồn sáng tinh khiết: trăng và nắng. Tôi lại cảm thấy nguồn sinh lực dồi dào phát tiết từ tiếng thơ Hàn luôn rạo rực cảm giác Xuân.
Ngày ấy, bập bõm bình văn, tôi đã say sưa cùng cái trong ngần nắng sớm của "Mùa Xuân Chín", viết xong rồi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác ngất ngây trong thi ảnh của Hàn:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng Trí bâng khuâng sực nhớ làng
-Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Cảm giác ấy bao lần trở lại với tôi, không hề phai nhạt dù sau này tâm hồn chai sạn dần cùng năm tháng.
Yêu thơ Hàn, tôi cũng đã không bviết bao nhiêu lần tìm đến Quy Hoà, cố hình dung những cảnh sắc lưu lại giây phút cuối cuộc đời tài hoa ấy. Tôi cũng cố chiêm nghiệm cảm giác của Hàn khi bao lần ngồi dưới bóng trăng, nghe sóng biển mà lại vọng lên tiếng thơ Hàn như lay động trên những rặng phi lao: "Trăng bay lả tả ngả trên cành vàng". Rồi thì: "Người trăng ăn vận toàn trăng cả - Gò má riêng thôi lại đỏ hườm". Cái ánh trăng vào thơ Hàn có lúc vang động những tiếng rú, tiếng gào, có lúc lại vô cùng ma quái ấy thì vẫn là trăng của tâm hồn thánh thiện ấy thôi, vẫn là trăng của thuở : "Mới lớn lên trăng đã thẹn thò - Thơm như tình ái của ni cô"...
Đến lúc biết yêu, tôi lại càng ngấm thơ của Hàn hơn nữa. Dần dần tôi đã thẩm thấu nỗi đau của một người khát yêu, khát sống mà bị tách ra khỏi đời sống cộng đồng thật khủng khiếp như thế nào với Hàn. Tôi thích đọc những câu thơ mà nỗi đau lặn vào trong cào xé, nhưng lại biểu lộ ra bằng giọng điệu như thủ thỉ mà khiến lòng người đọc như ứa máu:
Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa
Trời ở trong đây chẳng có mùa
Không có niềm trăng và ý nhạc
Có nàng cung nữ nhớ thương vua
"Hỏi nhẹ nhàng thôi nhưng mà đau đớn lắm!", đó là nguyên vẹn những suy nghĩ của tôi khi được đọc những dòng thơ ấy. Và trước nỗi đau như vậy, làm sao có thể bình thêm gì nữa?
Sau này nhiều lần tham dự những buổi tưởng niệm nhà thơ, do anh em văn nghệ tự tổ chức, tôi lại được ôn lại những vần thơ của Hàn mà chiêm nghiệm thêm bao ý tứ mới mẻ, càng thêm yêu con người bị đày đọa trong nỗi thống khổ vô biên mà vẫn khát yêu khát sống ngay cả trong những vần thơ đớn đau như rứt từng mảng sự sống:
Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng
Mỗi khi đọc thơ Hàn, tôi thường để cho lòng mình lắng hết mọi bon chen tục lụy, để cho thơ Hàn lắng cõi tâm tư thật sự trong ngần. Hàn Mặc Tử lúc ấy mới thật sự là của tôi, không phải của các nhà phê bình nhiều chữ nghĩa lắm học thuyết đem Hàn ra mổ xẻ.
Đêm nay, Hàn lại đến bên tôi, trong nỗi nhớ Quy Nhơn, trong tình quê đau đáu:
TÌNH QUÊ
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Giòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê...
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề...
HÀ NỘI, 2h15p ngày 24 tháng 3 năm 2007
Trần Hà Nam