Thứ Tư, tháng 7 18, 2012

Ngày 14 tháng 7, Chú ơi!!!


Hôm nay là một ngày buồn nữa trong năm nay. Buổi sáng, trước khi đi dạy, mở mail nhận được tin chú đã đưa về nhà. Cũng mong một phép màu nào xảy ra, kéo dài thêm ít nhất mấy tháng nữa như Mẹ. Không dám tắt điện thoại, đang dạy thì tin dữ bay tới: chú đã đi rồi! Ráng ngăn cảm xúc riêng tư để hoàn thành bài giảng, rồi tất bật chạy về nhà, để chuẩn bị các thủ tục cho thím đưa chú từ Pháp về.
Viết lại tiểu sử chú, thấy có một điều trùng hợp ngẫu nhiên: chú sinh vào 14.7. Kỉ Mão và mất vào 14.7.2012 - đúng ngày Quốc khánh Cộng hòa Pháp. Phần lớn cuộc đời chú từ lúc thành danh cũng gắn bó với nước Pháp. Nhưng dù là một nhà khoa học được cả thế giới biết đến với công trình cộng hưởng từ cũng như tham gia nhiều hội thảo khoa học, chú vẫn đau đáu một nỗi niềm hướng về quê nhà. Hôm trước em Khoa còn gọi điện về nói tâm nguyện của chú muốn cống hiến toàn bộ công trình khoa học cho một trường Đại học của Việt Nam. Nghĩ đến nội dung phần lớn công trình của chú là ứng dụng năng lượng hạt nhân cho Sinh học và Y học, đã nghĩ sẽ phải liên hệ với Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chưa kịp thì chú đã đi...
Còn nhớ lần đầu tiên gặp chú là năm 1985, chú đưa cả gia đình về Việt Nam lần đầu tiên: thím, em Chu - em Kim - em Nam. Hồi đó mới học lớp 11 nhưng mới gặp đã cảm thấy gần gũi thân thiết với chú biết chừng nào. Trong các anh em ruột thịt, có lẽ chú giống Ông Nội nhất, càng lớn càng giống. Từ dáng người, khuôn mặt cho đến cách làm việc nghiên cứu cẩn trọng.
Lần cuối chú về Việt Nam, có lẽ cũng do linh tính mà các chú các cô từ Mỹ cũng về. Nhìn tóc chú bạc trắng, lòng đã thắt lại lo cho sức khỏe của chú. Ai dè, nhanh quá! Lần về này, chú đã gặp tất cả những con cháu, dường như có một điều chú đã biết mà không muốn nói ra, về khoảnh khắc tử biệt sinh ly sắp đến gần. Chú về Nha Trang rồi lại ra lại Quy Nhơn, kêu đưa cháu Thiên Lương ra học với ông Tam. Thằng nhỏ nhà mình quả thật hạnh phúc khi được ông kem trong vòng 10 ngày mà học cách tính toán môn Toán, băng qua chương trình lớp 8, 9, 10 - quả thật chú là một ông thầy siêu việt với phương pháp truyền thụ và động viên thiên tài, khiến các cháu học ông càng lúc càng mê. Có ngờ đâu duyên hạnh ngộ chỉ có vậy. Nhưng những gì còn lại, chắc chắn sẽ còn được các con cháu nhớ mãi.
Chú là tấm gương lớn trong dòng họ về đức hiếu học, đỗ đạt thành tài cao nhất, trở thành nhà khoa học quốc tế, đầy tâm huyết với quê hương dòng họ, anh em con cháu. Sẽ còn bao nhiêu thế hệ con cháu nhớ về chú, người mở màn cho phong trào khuyến học dòng họ, tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ông nghè - cụ Tú Hương Tiều, Ông nội - cụ cử Hà Trì. Nhìn lại, đám con cháu đời thứ 10 không khỏi cảm thấy hổ thẹn vì chưa có cháu nào đạt bằng tiến sĩ - cũng chỉ có em Nam tước con chú là tiến sĩ Địa chất học mà thôi! Thạc sĩ, bác sĩ nhiều nhưng cũng mới chỉ chủ yếu lo vun vén cho gia đình riêng mà chưa đóng góp xây dựng mở mang học vấn cho dòng tộc như chú.
Chú kính yêu,
Con cảm thấy thật có lỗi khi không trò chuyện gần gũi chú nhiều hơn để hiểu chú, học chú nhiều hơn. Nhưng những gì con tiếp thu từ chú, con cũng ráng sức gìn giữ như là gia bảo. Một lời khuyên giữ gìn tình yêu thương trong dòng tộc, một lời nhắn nhủ giữ vững truyền thống gia đình cũng là động lực cho con nỗ lực nhiều hơn.
Con biết những ngày này và nhiều ngày tới, thím và các em sẽ còn đau buồn vì sự vắng mặt của chú. Nhưng con cũng tin rằng chú đã để lại trọn vẹn tình yêu thương cho thím và các em. Cả họ tộc và gia đình đang làm tất cả mọi việc nhanh nhất để đón chú về với đất tổ, để chú có thể nằm lại giữa những người thân yêu trên quê hương mình. Tụi con sẽ thay mặt thím và các em chăm sóc cho chú. Chú đã cho đi rất nhiều yêu thương, và chú sẽ được hưởng trọng niềm hạnh phúc cuối cùng khi trở về quê cha đất tổ.
Vĩnh biệt chú - Tiến sĩ quốc gia Cộng hòa Pháp TRẦN ĐÌNH SƠN - người chú kính yêu của con!

Thứ Năm, tháng 5 24, 2012

Hội thảo về thân thế và sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu

Ngày 23.5.2012 tại Quy Nhơn đã diễn ra hội thảo về thân thế và sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu (1822 - 1880), thầy dạy của hậu tổ tuồng Đào Tấn (1845 - 1907). 
Nguyễn Diêu còn gọi là cụ Tú Nhơn Ân, hiệu Quỳnh Phủ, người làng Nhơn Ân, Phước Thuận, Tuy Phước. Ông là soạn giả của các vở tuồng nổi tiếng như Ngũ hổ bình Tây, Tiết Giao đoạt ngọc, Liệu đố (Chữa bệnh ghen).

Hội thảo đã thống nhất cao trong đánh giá tài năng nghệ thuật của bậc thầy nghệ thuật hát bội. Nhiều tham luận đã chỉ rõ giá trị và sức hấp dẫn của tuồng thơ Nguyễn Diêu. Chính sự linh hoạt và phong phú trong giọng điệu tuồng thơ của người thầy vĩ đại này đã tiếp thêm cảm hứng cho Đào Tấn đưa Tuồng hát bội lên đỉnh cao rực rỡ sau này.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đánh giá Nguyễn Diêu như một ngọn Tháp Đôi vốn đẹp đẽ nhưng lâu nay bị khuất lấp, bây giờ hiện ra lộng lẫy choáng ngợp. Tham luận của ông cũng chỉ ra nét đặc sắc trong thơ Nguyễn Diêu gắn bó với vùng văn hóa Bình Định. Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Thanh Thảo khai thác vào đạo làm người, chất thơ của tuồng Nguyễn Diêu. 
Các nhà nghiên cứu Việt kiều như GSTS Thái Kim Lan, GSTS Nguyễn Thuyết Phong đã nói lên những cảm nhận mới mẻ và sức cuốn hút của tuồng Nguyễn Diêu. Đồng thời ý kiến nên vận dụng phương pháp điền dã để thu thập tư liệu, nghiên cứu sống động và sâu sắc hơn tuồng trong đời sống của đương đại rất đáng chú ý. 
Các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải đã khai thác sâu vào nội dung giá trị nhân văn và tính hiện đại trong tuồng Nguyễn Diêu. 
Xúc động và đồng cảm với Nguyệt Cô hóa cáo (tức Tiết Giao đoạt ngọc hay Võ Tam Tư trảm hồ) là tham luận của NSND Đàm Liên, nhà thơ nhà nghiên cứu sân khấu Hoàng Kim Dung, chỉ ra thần thái nhân vật và sức chinh phục của hình tượng bi kịch này. Các nhà viết kịch, đạo diễn chú trọng kết cấu và cách tạo dựng tính cách trong Ngũ hổ bình Tây, nét mới mẻ và độc đáo trong Liệu đố. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa đặt lại vấn đề liệu Đào Tấn có sửa tuồng Nguyễn Diêu như giai thoại truyền tụng hay không và đề nghị gạt bỏ giai thoại mang tính hoang đường này! 
Bên cạnh các cây bút trung ương, tham luận của các tác giả địa phương cũng tạo được chú ý vì độ phong phú sinh động trong minh họa cũng như nghiên cứu sâu vào ảnh hưởng của tuồng Nguyễn Diêu với văn hóa làng xã địa phương: Nguyễn An Pha, chủ tịch Hội VHNT Bình Định đã vừa đọc tham luận vừa minh họa bằng những làn điệu tuồng Bả Trạo của Nguyễn Diêu, Trần Hà Nam trong tham luận cuối cùng tại hội thảo đã khái quát về sự khúc xạ các quan niệm phong kiến và những nét nổi bật trong các vở tuồng Nguyễn Diêu, bằng tất cả sự tâm đắc trước tư tưởng và tài năng của tác giả. Tiếc là thời gian quá ngắn nên còn 5 tham luận chưa được trình bày.

Hội thảo đã cuốn hút từ đầu đến cuối, và tiếp tục được bàn luận rôm rả trong tiệc liên hoan, từ phó chủ tịch tỉnh Mai Thanh Thắng cho đến những người yêu tuồng quê hương Nguyễn Diêu đều mong muốn sớm có những nghiên cứu sâu hơn về Nguyễn Diêu và tôn vinh ông xứng đáng tầm cỡ một danh nhân văn hóa địa phương. Đại diện UBND xã Phước Thuận, cháu nội 5 đời của cụ tú Nhơn Ân cũng có mặt, tuy nhiên có một sơ sót nhỏ là thiếu đại diện trường THPT Nguyễn Diêu tại hội thảo. mong rằng những nội dung hội thảo được chuyển đến địa phương làm cơ sở cho việc vinh danh và tôn tạo di tích tưởng niệm Nguyễn Diêu.
Trần Hà Nam tom lược

Thứ Hai, tháng 5 14, 2012

NGÀY CỦA MẸ - NGHĨ VỀ "ĐÊM ĐẠI DƯƠNG" (V.HUGO)


"Ôi biết bao thuyền viên, thuyền trưởng
Buổi ra đi, vui sướng đường xa
Cuối chan trời u ám đã thành ma
Đã biến mất, đớn đau số phận
Đêm không trăng, giữa biển không cùng
Chôn vùi thân dưới sống muôn trùng..."
Mẹ ơi, không phải tự dưng con nhớ những câu thơ này đâu! con nhớ những lời của thầy con, người đã từng nói về ý nghĩa sâu sắc và nhân văn của bài thơ. Con vẫn còn chưa dứt khỏi bao nhiêu đau đớn day dứt về sự ra đi của thầy, người thuyền trưởng tài hoa đã lái con tàu văn chương đưa bao nhiêu thế hệ học trò đến bến bờ tri thức.
Đêm đại dương của Victor Hugo - đại văn hào Pháp là bài thơ để lại nhiều ám ảnh trong con về quy luật của sự lãng quên! Những đau thương quặn thắt rồi cũng sẽ qua đi, đến một ngày:
"Cả gốc liễu mùa thu trút lá
Và cả người hành khất bên cầu
Hát điệu buồn ai nhớ anh đâu..."
Ngày mai là 13 tháng 5, Ngày của Mẹ mà chúng con vắng Mẹ. Tháng 5 là tháng nhiều kỉ niệm nhất với chúng con, là tháng anh em con chào đời, đem niềm vui và những nhọc nhằn cho suốt quãng đời tiếp theo của mẹ. Chúng con khôn lớn, trưởng thành trong tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Chỉ có trước mẹ chúng con luôn cảm thấy mình vẫn như đứa trẻ lớn xác, vẫn cứ vô tư đùa giỡn như những đứa trẻ. Ngày mẹ đau, có khi ép mẹ ăn như dỗ trẻ con, mà có biết đâu chính chúng con mới thật trẻ con không hiểu nổi mẹ đã phải gắng sức như thế nào để chống chọi lại bệnh tật để chứng kiến con cháu trưởng thành.
Ngày giỗ Mẹ năm nay, chị vào. Đã hơn 60 tuổi rồi mà trước mộ mẹ, chị vẫn hồn nhiên như hồi xưa, vẫn tính tồ tồ hay bị mẹ mắng! Chúng con là những đứa trẻ đầu bạc, mẹ nhỉ? Vậy mà cứ hát "lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào...". Có lẽ chính câu hát này khiến con chợt liên tưởng về "Đêm Đại Dương" mỗi khi nghĩ về sự còn - mất, những đau đớn tiếc thương rồi sẽ qua đi, một ngày sẽ cảm thấy trong âm vang sóng biển lời vỗ về an ủi cho con vượt lên bao khó khăn trắc trở, khi một mình đối mặt với đời. Biển giữ lại tất cả những kỉ niệm. Lòng mẹ bất tử như biển cả, vẫn đêm ngày hiện hữu bên chúng con. Con chợt ngộ thêm một điều từ bài thơ mà thầy con hằng tâm đắc: khi ta sống trong yêu thương, lòng ta cũng như muốn hòa cùng đất trời cao rộng, để theo nhịp sóng ru mãi khúc thương yêu đến muôn đời. Chết là một sự hóa thân, tan hòa vào sóng, là hiện hữu của quá khứ vào hiện tại. Và nối tiếp cho những nhịp sóng khác, vĩnh viễn, tiếp nối đến tương lai. Bây giờ, con mới ngộ thêm vì so người ta thường ví là "trời nhân, biển ái"!
Vậy nên con phải biết sống yêu thương nhiều hơn nữa, phải không mẹ?
Thầy truyền cho con bài học, mẹ là hiện hữu của bài học đó!
Và con hiểu, những người yêu thương sẽ không bao giờ mất đi! "Thác là thể phách, còn là tinh anh!". Người còn lại giữa thế gian phải truyền cái tinh anh ấy đến nhiều người, đến thế hệ sau, và như thế, sẽ lưu giữ mãi bóng hình yêu thương vĩnh viễn.
Con thấu đạt chân lý này, cũng có nghĩa những người con yêu thương kính trọng như Mẹ, như Thầy vẫn chưa bao giờ rời xa, vẫn giúp con càng lúc càng trưởng thành, xứng đáng với tình yêu thương như biển mênh mông gửi lại với đời này, để biết "Yêu thương là Sức mạnh!" (V.Hugo).
CON VỪA NGẪM TỪ BÀI THƠ THẦY GIẢNG
CHỮ THƯƠNG YÊU ĐƠN GIẢN ĐẾN VÔ CÙNG
NHƯ BIỂN CẢ VẪN NGÀY ĐÊM VỖ SÓNG
VƯỢT LÃNG QUÊN BẰNG SỨC MẠNH BAO DUNG

CON CHỢT HIỂU MẸ NGÀY NGÀY LẶNG LẼ
CỨ BÊN CON DÙ CON CỨ VÔ TÌNH
CON LẠI HÁT KHÚC CA VỀ LÒNG MẸ
NHƯ BIỂN MÊNH MÔNG, NHƯ BIỂN THÁI BÌNH...

KHI THẤU NGHĨA YÊU THƯƠNG, NÊN GÌN GIỮ
YÊU THƯƠNG LÀM ĐAU KHỔ SẼ PHÔI PHAI
YÊU THƯƠNG GIỮ NGƯỜI THÂN YÊU CÒN MÃI
MẶC THỜI GIAN TẤT CẢ DẪU TÀN PHAI...
13.5.2012
NGÀY CỦA MẸ
T.H.N

Thứ Năm, tháng 4 19, 2012

Hiện trạng bệnh của thầy Trương Tham

Những thông số lạnh lùng trên hai chiếc máy hỗ trợ nhịp thở và đo tim mạch của thầy Tham tại phòng hồi sức cấp cứu làm mình cảm thấy lo lắng. Hỏi thăm một số người thì chủ yếu họ nói theo kiểu động viên. Lần thứ 4 vào HSCC là một cuộc chiến sinh tử. Đã có lúc thầy khỏe lên, nhưng rồi không hiểu sao sốt liên tục dẫn đến tụt huyết áp, khó thở, chân tay sưng phù. 
Không biết những thông số này nói lên được điều gì? hy vọng những chuyên gia giải thích giúp. Học trò mình Nguyễn Xuân Quang có đưa đường link của bác sĩ Hồ Hải ( http://bshohai.blogspot.com/2012/04/thay-truong-tham.html ), hy vọng sẽ có lời giải đáp.

Đây là các chỉ số tối qua, hôm nay số 23 thành 26, còn chỉ số 10.7 dao động liên tục lên 11 - 14; số 331 cũng nhảy lúc thì lên trên 450...

Còn đây là chỉ số nhịp tim hôm qua: 127, hôm nay dao động khoảng 120 - 125. Chỉ số huyết áp là 97/69 nhưng tối nay lúc thì 88/63, lúc thì 81/61. Mình chỉ biết là huyết áp hạ, nhịp tim nhanh. Còn chỉ số SPO2 không nhận được, có lẽ vì da chân tay của thầy dày, có vảy nến, vảy sừng nên không đọc được.



Còn thuốc do BS cho dùng trong hai hôm nay: thấy có seduxen, Gluco...
HÌNH ẢNH UPDATE HÀNG NGÀY BỆNH TRẠNG VÀ THEO DÕI CHỈ SỐ MÁY ĐO:


Thứ Ba, tháng 4 03, 2012

NHỚ MẸ...

Chiều núi Thơm phảng phất khói hương trầm

Chúng con về đây trước ngày giỗ Mẹ

Ngàn cây số chị vào, bao mừng tủi

Quà quê hương dâng Mẹ chút tình con!

Bốn năm rồi, Mẹ nằm lại núi Thơm

Chúng con mỏi mê mưu sinh tất bật

Mỗi lúc về quê, người còn kẻ mất

Nghĩa trang làng ngày tảo mộ đông hơn...

Cứ nghĩ vu vơ trong phảng phất nhang trầm

Hương linh Mẹ đang về cùng con cháu

Ánh mắt Mẹ nhìn chúng con đau đáu

Phút đi xa người chưa kịp dặn gì!

Biết thời gian cứ lần lữa trôi đi

Chị đã sáu mươi, anh cũng gần năm chục

Bốn ba tuổi là con, thằng út

Trước Mẹ chúng con vẫn cứ trẻ thơ

Chị thèm nghe lời Mẹ mắng như xưa

Anh vẫn nghịch mong Mẹ chau mày lại!

Con lại muốn mình được thêm bé lại

"Ún ín" ngày nào luôn được Mẹ bênh!

Chiều núi Thơm nắng bỗng trải mông mênh

Đường xa quá, chúng con đành xa Mẹ

Mẹ khôn thiêng xin hãy an lòng nhé

Chúng con trọn đời nhớ chữ thương yêu!

Thứ Ba, tháng 2 14, 2012

Ngày Tế Hiệp Trần tộc 12 tháng Giêng

Hằng năm, con cháu họ Trần ở thôn Cảnh Vân, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định lại quây quần trong ngày lễ Tế hiệp của dòng họ - 12 tháng Giêng.
Họ Trần ở đây là Mạnh phái, là con cháu của người anh đầu trong ba anh em từ ngoài Bắc vào, gốc gác từ nhánh của An Sinh Vương Trần Liễu, dòng Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Khi vào miền Trung, định cư lập nghiệp ở Bắc Cù Mông thuộc tỉnh Bình Định là Thủy tổ Đại lang Trần Hữu Đức. Hai người em tiếp tục đi vào phía Nam Cù Mông, thuộc tỉnh Phú Yên, sinh con đẻ cái, lập nên hai phái họ Trần: ở Long Thủy, Mỹ Á là Trọng phái của Thủy tổ đệ nhị lang Trần Mộc, Tế hiệp vào 12 tháng Hai âm lịch; ở Phú Hiệp là Quý phái của Thủy tổ đệ tam lang Trần Văn Đe, Tế hiệp vào 12 tháng Ba âm lịch. Ba phái họ Trần do điều kiện lịch sử từng có giai đoạn tạm thời mất liên lạc, nhưng sau này khoảng những năm 20 - 25 của thế kỉ XX đã nối lại tình đồng tông, công lao này từ Quan viên phụ của Mạnh phái là cụ Trần Thiệu Thuật, đời thứ 8, tìm ra phái Mỹ Á. Đến năm 1983, nhánh Phú Hiệp tìm về nhận họ, qua xác minh từ các cụ trong Ban quản trị Trần tộc Mạnh phái do cụ Trần Bùi Thao, đời thứ 9, làm chánh chủ tự và phái Phú Hiệp do ông Trần Bình Trọng đời thứ 9 của Quý Phái ở Chợ Dinh đối chiếu tông phái, phổ hệ. Trong khoảng thời gian này, còn có dòng họ Trần ở Mộ Đức cũng tìm về, nhưng đối chiếu thì không cùng nhánh, nên sau này các cụ quyết định không truy tầm lên gốc gác phía trên nữa.
Mạnh phái Cảnh Vân có từ đường họ ở HTX Cảnh An 2, đi gần chợ Cây Sanh thì rẽ vào tay trái theo đường lộ, đến nay gia phả đã thống kê đến đời thứ 12 (từ năm 1993) và hiện con cháu đã phát triển ở 5 chi phái đến đời thứ 13. Chánh chủ tự hiện tại là ông Trần Bùi Nghê, bào đệ của cố Chánh chủ tự Trần Bùi Thao (từ trần năm 2010).
Ngày Tế Hiệp thường có mặt đầy đủ 3 phái Cảnh Vân - Mỹ Á - Phú Hiệp từ chiều 11 tháng Giêng. từ đường Trần tộc thường làm cỗ đón con cháu về. Buổi tối là lễ Tiên thường, dâng hương cho tổ tiên. Sau đó, Ban quản trị sẽ họp mặt, trò chuyện các phái, làm lễ phát học bổng cho con cháu nội ngoại Mạnh phái học giỏi, vào đại học. BQT còn tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ từ 70 tuổi trở lên.
Sáng 12 tháng Giêng, từ sớm con cháu về dâng hương tại mộ Thủy tổ Đại lang, rồi tụ tập về sân Từ đường để làm lễ tế hiệp. Tộc lễ đảm nhiệm đọc chúc văn, chánh hoặc phó chủ tự quỳ ở bàn thờ chính giữa, các phái và chi phái quỳ ở bốn bàn thờ hai bên. Sau khi khởi chinh cổ, khởi nhạc sẽ dâng tửu, dâng trà, hành lễ, kính thỉnh tổ tiên về chứng giám.
Sau lễ tế, Chánh chủ tự sẽ thay mặt Ban Quản trị dặn dò con cháu phát huy truyền thống tổ tiên, giữ gìn và xiển dương dòng họ đoàn kết, thương yêu nhau. Sau lễ, là bữa cơm đãi con cháu về Từ đường. Thường kết thúc vào 9 giờ sáng.


LỄ TIÊN THƯỜNG 11 THÁNG GIÊNG


HÌNH ẢNH GẶP MẶT GIAO LƯU 11.GIÊNG NHÂM THÌN


TẾ HIỆP TRẦN TỘC MẠNH PHÁI CẢNH VÂN 12.GIÊNG NHÂM THÌN


TẾ HIỆP TRẦN TỘC MẠNH PHÁI CẢNH VÂN 12.GIÊNG NHÂM THÌN (II)

Thứ Hai, tháng 2 13, 2012

Tình ruột thịt

NĂM ANH EM RUỘT SUM HỌP

Những ngày đầu năm Nhâm Thìn là một hạnh phúc với Cha tôi và cả gia đình, lâu lắm rồi mới có dịp để chuyện trò cười vui, sum họp đầm ấm đại gia đình.
Sau Tết, cô và chú thím Sơn, chú thím Ấn cùng về thăm quê hương. Anh em ruột thịt cùng nhau ôn lại bao nhiêu kỉ niệm.
CHA, MÁ CÙNG CÁC EM GÁI, EM DÂU

Chúng tôi, lớp con cháu cũng cảm được niềm vui này và ý thức hơn về tình gia tộc. Thời gian và những thăng trầm của lịch sử có thể lấy đi nhiều thứ, nhưng không thể nào xóa mờ tình anh em. Dù khoảng cách địa lý xa tới nửa vòng trái đất, người ở Mỹ, người ở Pháp nhưng khi về lại quê hương gặp anh em họ hàng, hàn huyên bao chuyện vẫn thấy như quá khứ mấy chục năm mới như ngày hôm qua.
Duy chỉ có mái tóc mỗi người đều đã trắng xóa thời gian. Anh lớn nhất đã sắp đi được nửa chặng bát tuần, em út cũng đã chạm cửa "nhân sinh thất thập..."! Con cháu nhìn cảnh đoàn tụ mà rưng rưng, liệu có một dịp nào nữa chăng, năm anh em sẽ lại hội ngộ đông đủ quây quần như thế này nữa.
Lại nhớ câu cha từng nhắc nhở : "Huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục" - lời giáo huấn của sách xưa đã được truyền từ đời này sang đời khác. Những nàng dâu của cụ Hà Trì cũng đều có mặt trong buổi hội ngộ Nhâm Thìn này, đã kề vai sát cánh, gánh vác giang san nhà chồng đến đầu bạc răng long. Chị em gái, chị em dâu thân thiết như ruột thịt, thấm thoắt cũng đã gần trọn đời người!
Bao năm qua, buồn vui sướng khổ, không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, nhưng tình nghĩa keo sơn anh em, vợ chồng, cha mẹ và con cái là một sức mạnh để giúp đại gia đình vượt lên bao sóng gió gian lao, lớp con cháu noi vào bảo ban nhau giữ gìn nghiệp tổ, quyết tâm bồi đắp truyền thống, không bao giờ chia rẽ.
Bỗng chợt ước ao có một dịp nào đó, hội tụ hết các cháu con nội ngoại về cùng chụp chung một bức hình để cảm nhận sâu xa sự trường tồn, phát triển của đại gia đình.
BỮA CƠM THÂN MẬT
CÁC CHÁU DÂU TRỔ TÀI ĐẢM ĐANG




ĐẠI GIA ĐÌNH

CÔ DƯ CHỤP CÙNG CÁC CHÁU DÂU, CHÁU GÁI, NGOẠI GÁI

HAI CHÚ CÙNG CHÁU TRAI, CHÁU RỂ