Hôm nay là một ngày buồn nữa trong năm nay. Buổi sáng, trước khi đi dạy, mở mail nhận được tin chú đã đưa về nhà. Cũng mong một phép màu nào xảy ra, kéo dài thêm ít nhất mấy tháng nữa như Mẹ. Không dám tắt điện thoại, đang dạy thì tin dữ bay tới: chú đã đi rồi! Ráng ngăn cảm xúc riêng tư để hoàn thành bài giảng, rồi tất bật chạy về nhà, để chuẩn bị các thủ tục cho thím đưa chú từ Pháp về.
Viết lại tiểu sử chú, thấy có một điều trùng hợp ngẫu nhiên: chú sinh vào 14.7. Kỉ Mão và mất vào 14.7.2012 - đúng ngày Quốc khánh Cộng hòa Pháp. Phần lớn cuộc đời chú từ lúc thành danh cũng gắn bó với nước Pháp. Nhưng dù là một nhà khoa học được cả thế giới biết đến với công trình cộng hưởng từ cũng như tham gia nhiều hội thảo khoa học, chú vẫn đau đáu một nỗi niềm hướng về quê nhà. Hôm trước em Khoa còn gọi điện về nói tâm nguyện của chú muốn cống hiến toàn bộ công trình khoa học cho một trường Đại học của Việt Nam. Nghĩ đến nội dung phần lớn công trình của chú là ứng dụng năng lượng hạt nhân cho Sinh học và Y học, đã nghĩ sẽ phải liên hệ với Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chưa kịp thì chú đã đi...
Còn nhớ lần đầu tiên gặp chú là năm 1985, chú đưa cả gia đình về Việt Nam lần đầu tiên: thím, em Chu - em Kim - em Nam. Hồi đó mới học lớp 11 nhưng mới gặp đã cảm thấy gần gũi thân thiết với chú biết chừng nào. Trong các anh em ruột thịt, có lẽ chú giống Ông Nội nhất, càng lớn càng giống. Từ dáng người, khuôn mặt cho đến cách làm việc nghiên cứu cẩn trọng.
Lần cuối chú về Việt Nam, có lẽ cũng do linh tính mà các chú các cô từ Mỹ cũng về. Nhìn tóc chú bạc trắng, lòng đã thắt lại lo cho sức khỏe của chú. Ai dè, nhanh quá! Lần về này, chú đã gặp tất cả những con cháu, dường như có một điều chú đã biết mà không muốn nói ra, về khoảnh khắc tử biệt sinh ly sắp đến gần. Chú về Nha Trang rồi lại ra lại Quy Nhơn, kêu đưa cháu Thiên Lương ra học với ông Tam. Thằng nhỏ nhà mình quả thật hạnh phúc khi được ông kem trong vòng 10 ngày mà học cách tính toán môn Toán, băng qua chương trình lớp 8, 9, 10 - quả thật chú là một ông thầy siêu việt với phương pháp truyền thụ và động viên thiên tài, khiến các cháu học ông càng lúc càng mê. Có ngờ đâu duyên hạnh ngộ chỉ có vậy. Nhưng những gì còn lại, chắc chắn sẽ còn được các con cháu nhớ mãi.
Chú là tấm gương lớn trong dòng họ về đức hiếu học, đỗ đạt thành tài cao nhất, trở thành nhà khoa học quốc tế, đầy tâm huyết với quê hương dòng họ, anh em con cháu. Sẽ còn bao nhiêu thế hệ con cháu nhớ về chú, người mở màn cho phong trào khuyến học dòng họ, tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ông nghè - cụ Tú Hương Tiều, Ông nội - cụ cử Hà Trì. Nhìn lại, đám con cháu đời thứ 10 không khỏi cảm thấy hổ thẹn vì chưa có cháu nào đạt bằng tiến sĩ - cũng chỉ có em Nam tước con chú là tiến sĩ Địa chất học mà thôi! Thạc sĩ, bác sĩ nhiều nhưng cũng mới chỉ chủ yếu lo vun vén cho gia đình riêng mà chưa đóng góp xây dựng mở mang học vấn cho dòng tộc như chú.
Chú kính yêu,
Con cảm thấy thật có lỗi khi không trò chuyện gần gũi chú nhiều hơn để hiểu chú, học chú nhiều hơn. Nhưng những gì con tiếp thu từ chú, con cũng ráng sức gìn giữ như là gia bảo. Một lời khuyên giữ gìn tình yêu thương trong dòng tộc, một lời nhắn nhủ giữ vững truyền thống gia đình cũng là động lực cho con nỗ lực nhiều hơn.
Con biết những ngày này và nhiều ngày tới, thím và các em sẽ còn đau buồn vì sự vắng mặt của chú. Nhưng con cũng tin rằng chú đã để lại trọn vẹn tình yêu thương cho thím và các em. Cả họ tộc và gia đình đang làm tất cả mọi việc nhanh nhất để đón chú về với đất tổ, để chú có thể nằm lại giữa những người thân yêu trên quê hương mình. Tụi con sẽ thay mặt thím và các em chăm sóc cho chú. Chú đã cho đi rất nhiều yêu thương, và chú sẽ được hưởng trọng niềm hạnh phúc cuối cùng khi trở về quê cha đất tổ.
Vĩnh biệt chú - Tiến sĩ quốc gia Cộng hòa Pháp TRẦN ĐÌNH SƠN - người chú kính yêu của con!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét