Thứ Sáu, tháng 8 25, 2006

Bình thơ

Không hiểu sao tôi cứ miên man với cái bìa sách có ngọn đèn dầu chênh chao với tựa đề Trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang. Có lẽ chị cũng hài lòng với cái bìa sách này, nó nói thay cho chị cái phần thẳm sâu trong tâm thức của người làm thơ - thèm chút tĩnh lặng để đối diện với thơ: Ai còn nhớ rưng rưng màu lửa sáng/ Những chuyện ngày xưa, những ngọn đèn xưa…(Những ngọn đèn xưa).

Ba mươi bảy bài thơ, tuyệt nhiên không có một sắc màu bóng dáng âm thanh của cuộc sống hiện đại mà như một hoài niệm về những vẻ đẹp đối cực với hiện tại: một bông cúc nở triền miên bên lối, tiếng dế hát như mê, mùi hương tri âm. Tôi không biết định danh cụ thể là gì, chỉ xin tạm đặt một cái tên : thế giới trong-tĩnh-lặng.

Tôi có ý nghĩ thật lạ lùng và ngộ nghĩnh: Trần Thị Huyền Trang có nét “bảo thủ” rất đáng mến trong thơ, nhờ thế mà chị vẫn cứ lặng lẽ tự khẳng định mình vững chắc bằng lối dung dị đến như không có gì đáng chú ý ấy! Thảng hoặc trên hành trình thi ca, có đôi khi gặp một vài gương mặt mỹ miều, nghe một vài giọng lảnh lót của các cô-em-thơ thích làm duyên làm dáng, tôi cũng thấy hay hay nhưng mau chán. Thơ không cần cao giọng mà cứ rủ rỉ thầm thì, ấy vậy mà hút người ta ghê lắm! Đôi khi nói chuyện xưa xưa một tí mà giúp ta thấu hiểu hơn bao nhọc nhằn quá khứ, tìm được chút an ủi giữa cuộc sống nhịp độ chóng mặt này. Nhân tình thế thái, tiền nhân hậu nhân, vĩ mô vi mô, chuyện gì cũng được, miễn là đừng tạo sốc phản cảm, đừng đánh bóng điệu đàng, đừng tung hô tuyên bố mà chọn góc nhìn góc cảm trong-tĩnh-lặng để cùng chiêm nghiệm thì chắc chắn sẽ tìm được niềm đồng cảm.

Có thể vì vậy mà Trần Thị Huyền Trang đã không ngần ngại đụng chạm đến những đề tài lớn (Tổ quốc, Vua áo vải, Bài ca cổ xưa, Khu Đông, Bên mộ 153 liệt sĩ sư đoàn Sao Vàng…) để gửi gắm tâm tình. Chị cũng có thể đề cập đến cả những nhân vật đương đại mà không e ngại là “thấy người sang bắt quàng làm họ”, bởi lẽ những nhân vật trữ tình ấy trong thơ chị được nói bằng tất cả niềm kính vọng và tri âm. Nhưng thưa chị, tôi cho rằng “tạng” của chị vẫn thích hợp hơn với những đề tài “nhỏ” – tất nhiên về lý luận không có đề tài lớn nhỏ mà chỉ có cảm xúc mãnh liệt chân thành làm nên độ lớn cho một bài thơ. Tôi vẫn thích cái vẻ bình lặng khiêm nhường ở phụ nữ hơn là phải gặp những người phụ nữ quá sắc sảo và lý luận hay. Vì gặp một người bạn, một người chị, một người mẹ… người ta vẫn có cảm giác ấm lòng và tin cậy hơn là gặp một nhà tâm lý, một nàng thơ. Tôi thích những câu thơ không gò giũa, bóng bẩy câu chữ, dù rằng biết công việc làm thơ là phải chọn từ đắt ý hay để tạo tứ. Theo tôi, cái tứ của thơ nằm trong cái tứ của đời, tìm được tứ đòi hỏi phải có sự tinh nhạy rung cảm thật sự. Ngôn ngữ chỉ là “cái vỏ của tư duy”, nhân cách nghệ sĩ chỉ thật sự hiện rõ khi tiếng thơ ấy đánh động được sự đồng cảm của nhiều người. Bởi thế, có những bài trong tập thơ dường như cảm xúc chưa chín, dù có sự huy động của tiềm thức. Mạch thơ đang trôi chảy, đầy ám ảnh về một vẻ đẹp thanh thản trong suốt, bất chợt có những câu gợn kiểu: Chúng tôi nào hay mình và những đám mây kia/ đang cùng tiễn biệt/ gương mặt một con người đang làm nên tương lai (Tiềm thức).

Dẫu biết chị là người thường có nhiều tứ thơ hay bật lên từ những chiêm nghiệm đời thường, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những ý sượng hoặc chưa đúng với chất thơ vốn có của chị (Đấu võ đài, Dặn). Trong tập thơ, những bài như thế không nhiều, bởi vậy, ta vẫn nhận ra một dấu ấn Huyền Trang rõ rệt với những nỗi niềm để ngỏ, những day dứt với thơ với đời đánh dấu một bước tiến mới trong thơ của chị.

Hãy chọn một thời điểm thật tĩnh lặng để đọc thơ chị, ta dễ dàng đồng cảm với trái bàng rụng trên mái nhà/ thật khẽ/ e giật mình một áng mây thơm (Bên kia giấc mơ) hoặc Hoa phù dung nghiêng bóng xuống trang thơ (Bên hoa phù dung hầu chuyện một nhà giáo). Chị viết cho con bằng tất cả niềm đau đáu tình mẹ, để ta hiểu nỗi lòng: Suốt hai ngày mẹ hóa thành con chó đá/ đợi con ra khỏi phòng thi (Ánh sáng). Hình như trong-tĩnh-lặng, ta nghe rõ hơn những thanh âm tiếng chim, những tiếng hát thầm mà chị đã chắt ra từ những thời khắc đối diện chính mình, tự hỏi lòng mình: niềm chi bỡ ngỡ/ dâng trong mắt người/ vô tình nhẩm lại/ một lời xa xôi… Có lẽ đây là cảm nhận rõ nhất của tôi về tập thơ Trong tĩnh lặng, như một tự khúc của Trần Thị Huyền Trang dành cho tất cả những gì mà chị yêu mến.
Trần Hà Nam(*)
Đọc tập thơ Trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang, NXB Hội Nhà văn ấn hành, 2005.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét